Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đến năm 2020, ký tại Vĩnh Yên ngày 19 tháng 12 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 12 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

THỎA THUẬN

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ CHIẾN LƯỢC HỢP TÁC VIỆT NAM - LÀO TẠI HAI TỈNH HỦA PHĂN VÀ XIÊNG KHOẢNG, CHDCND LÀO ĐẾN NĂM 2020

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, dưới đây gọi tắt là “Hai Bên”:

Thực hiện Thỏa thuận Chiến lược về Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học kỹ thuật giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được ký ngày 09 tháng 4 năm 2011 tại Hà Nội;

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước;

Đã thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020 với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VỀ HỢP TÁC

1. Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020 nằm trong mối quan hệ hợp tác chiến lược của hai Đảng, hai Nhà nước và của mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài và phát triển không ngừng theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, luật pháp của nhau, cùng có lợi và giúp đỡ lẫn nhau.

2. Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng được thực hiện trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của hai nước nói chung và các địa phương có chung đường biên giới nói riêng hướng đến hình thành các mối liên kết kinh tế sâu rộng và hiệu quả, cùng tham gia trong chuỗi giá trị với lợi ích phù hợp cho các bên.

3. Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng được thực hiện bằng nhiều hình thức: giữa hai chính phủ, giữa các địa phương và giữa các thành phần kinh tế, huy động nhiều nguồn vốn phục vụ cho quan hệ hợp tác.

4. Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học, kỹ thuật an ninh quốc phòng hai nước; đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

5. Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng gắn với việc thực hiện các cam kết và tham gia các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

II. MỤC TIÊU HỢP TÁC

1. Về mục tiêu tổng quát

Hỗ trợ, góp phần thúc đẩy Hủa Phăn và Xiêng Khoảng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, đưa hai tỉnh đạt mức phát triển trung bình khá của Lào, cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác của cả nước. Tăng cường các mối liên kết nhiều mặt giữa hai tỉnh với các địa phương của Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

2. Về mục tiêu cụ thể

a) Tăng cường quan hệ hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh giữa hai tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng với các tỉnh của Việt Nam, đặc biệt là ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La.

- Tăng cường quan hệ hợp tác về chính trị, coi đây là yếu tố mang tính quyết định cho đường lối, chủ trương và chính sách hợp tác Việt Nam - Lào nói chung và hợp tác giữa các địa phương của hai nước nói riêng. Duy trì và tăng cường tiếp xúc và trao đổi các đoàn của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể nhân dân của hai nước một cách thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

- Thường xuyên giáo dục cán bộ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào. Coi đây là nhân tố quan trọng để không ngừng phát triển quan hệ hợp tác.

- Trên cơ sở thực hiện tốt đường lối đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh của hai Đảng và hai Nhà nước, các địa phương có chung biên giới hỗ trợ lẫn nhau giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, đảm bảo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phối hợp phòng chống những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch nhằm giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hợp tác thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, nhân dân hai nước và giữa các địa phương.

b) Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật.

- Mở rộng hợp tác một số lĩnh vực mà các địa phương của hai bên có kiện, có khả năng và nhu cầu. Giúp đỡ nhau trên tinh thần ưu tiên và có chính sách ưu đãi lẫn nhau nhằm tận dụng, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương ở hai nước. Trước hết là hợp tác phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, giao thông, bưu chính viễn thông, năng lượng điện; giáo dục đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

- Sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam nói chung và kinh phí hỗ trợ 3 tỉnh giáp biên giới của Việt Nam dành cho hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Đầu tư theo các chương trình dự án ưu tiên nhằm thực hiện mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nguồn nhân lực; các chương trình y tế - phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; các chương trình xã hội - định canh định cư, giảm nghèo...

- Khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của Việt Nam sang Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới cho hai tỉnh. Trước hết tập trung vào các lĩnh vực để phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng và chế biến cây công nghiệp. Coi việc đẩy mạnh đầu tư, liên doanh là nội dung cơ bản trong quan hệ hợp tác kinh tế ở giai đoạn này.

- Tạo chuyển biến mới trong hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam ở Lào nói chung, đặc biệt ở hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, đồng thời tạo điều kiện cho hàng hóa của hai địa phương trên sang thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Hình thành các Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) như: KKTCK Na Mèo ở Thanh Hóa giáp Hủa Phăn; và KKTCK Thanh Thủy ở Nghệ An giáp Xiêng Khoảng. Xây dựng phát triển các chợ biên giới nhằm trao đổi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân hai nước.

- Hai nước tạo mọi điều kiện cho các địa phương tuyến biên giới hợp tác toàn diện với nhau trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mọi địa phuơng. Kết hợp xây dựng kinh tế với việc giữ gìn môi trường, sinh thái, củng cố an ninh, quốc phòng, hình thành vành đai biên giới “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

c) Phối hợp, hỗ trợ nhau trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực

- Hai nước phối hợp với nhau tạo điều kiện cho hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng và ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La trong việc giảm bớt và loại bỏ dần những hạn chế trong đầu tư và thương mại, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư và thương mại phát triển; có chính sách khuyến khích cho các nhà đầu tư của nhau trong các lĩnh vực hợp tác và đầu tư.

- Các doanh nghiệp phía Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm năng, năng lực hỗ trợ nhau từ việc xây dựng, thu hút và xúc tiến đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tập trung giúp hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng tăng khả năng xuất khẩu một số sản phẩm có sức cạnh tranh sang các nước trong khu vực như cà phê, sản phẩm gỗ, hàng may mặc...

III. ĐỊNH HƯỚNG HỢP TÁC VỀ CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC CHỦ YẾU

1. Hợp tác về giao thông vận tải:

- Xây dựng và hoàn thiện một số trục đường chính (Quốc lộ số 6, số 7) giữa hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng để kết nối với mạng đường bộ của cả hai nước và ra các cảng biển Việt Nam...

- Xây dựng sân bay tại Hủa Phăn và từng bước lập cầu hàng không giữa Xiêng Khoảng, Hủa Phăn với sân bay Vinh, của Việt Nam và một số sân bay khác của hai nước.

2. Hợp tác về thương mại, du lịch và đầu tư

- Hợp tác với hai tỉnh về khai thác và xuất khẩu tài nguyên đã qua chế biến sang Việt Nam và các nước khác. Từng bước hình thành các cơ sở công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản.

- Tập trung phát triển khu vực Na Mèo thành khu thương mại biên giới Lào - Việt Nam, nâng cấp phát triển các cặp cửa khẩu Pa Háng - Lóng Sập và Bản Đán - Chiềng Khương thành cửa khẩu Quốc tế.

- Phát triển huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng thành khu thương mại biên giới. Phát triển các khu vực khác của hai tỉnh khi có điều kiện.

- Tạo điều kiện thuận tiện thu hút khách du lịch của mỗi địa phương của mỗi nước và của nước thứ ba.

- Tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp sang hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Giúp hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp tập trung để gọi vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

- Khuyến khích và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp hai bên phát triển thương mại biên giới và xây dựng các chợ biên giới giữa hai nước.

3. Hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp

- Hợp tác với hai tỉnh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nhất là về chăn nuôi, trồng và thâm canh diện tích lúa nước. Hình thành các liên doanh phát triển các cây công nghiệp, cây đặc sản có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, làm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

- Hợp tác trong phát triển chăn nuôi, trọng tâm là phát triển hình thức chăn nuôi theo hướng hiện đại của hộ gia đình. Tổ chức các cụm sản xuất và trang trại chăn nuôi tập trung ở những nơi có điều kiện, phù hợp để sản xuất hàng hóa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu.

- Hợp tác xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu và áp dụng thí điểm giống cây trồng, vật nuôi mới, sản xuất thuốc trừ sâu hữu cơ, phân bón, thuốc thú y, thức ăn gia súc tại chỗ, Tổ chức mạng lưới khuyến nông để phục vụ công tác phổ biến kỹ thuật, cung cấp thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân.

- Hợp tác giữa hai bên về mua bán và chế biến lâm sản, trồng rừng và tiếp tục hợp tác chuyên gia và đào tạo cán bộ lâm nghiệp cho hai tỉnh.

4. Hợp tác trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản

- Hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm phát huy tiềm năng sẵn có về tài nguyên, tạo tích lũy ban đầu cho công nghiệp hóa ở hai tỉnh.

- Hợp tác trong sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp

- Hợp tác với hai tỉnh về công nghệ để mở rộng sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến nông  lâm sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng công nghiệp sản xuất phân vi sinh... nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

- Hợp tác trong lĩnh vực cơ khí: trao đổi kỹ thuật và trang bị các cơ sở cơ khí nhỏ, sản xuất các công cụ sản xuất cho một số ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, một số ngành cơ khí tiêu dùng tại hai tỉnh.

- Hợp tác đào tạo công nhân kỹ thuật và chuyên gia của một số ngành công nghiệp chủ yếu cho hai tỉnh mà các tỉnh và các ngành của Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh.

- Hợp tác điều tra, khảo sát và tiến hành quy hoạch phát triển công nghiệp hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng trong tầm nhìn dài hạn và thời kỳ đến năm 2020, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Lào và chiến lược hợp tác giữa hai nước.

6. Hợp tác trong phát triển hệ thống năng lượng

- Nghiên cứu cơ bản gồm điều tra cơ bản, xây dựng quy hoạch phát triển và các công trình hợp tác về năng lượng với Việt Nam trên lãnh thổ hai tỉnh.

- Trao đổi năng lượng: Trao đổi điện năng ở quy mô nhỏ giữa hai tỉnh với các tỉnh biên giới Việt Nam, giải quyết nhu cầu điện năng ở các vùng sâu, vùng xa.

- Hợp tác về xây dựng các công trình thủy điện.

7. Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề xã hội

- Nguồn ODA của Việt Nam tiếp tục được ưu tiên cho đào tạo học sinh, sinh viên và cán bộ của hai tỉnh trong giai đoạn tới.

- Hợp tác trong đào tạo công nhân lành nghề theo hướng phát triển các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm. Trước mắt là đào tạo lao động kỹ thuật nông nghiệp và lao động kỹ thuật cho các ngành trong chương trình hợp tác về nông nghiệp và các ngành kinh tế của hai tỉnh.

- Hợp tác trong đào tạo chuyên gia (đại học và trên đại học), trao đổi chuyên gia theo kế hoạch hợp tác song phương.

- Tiếp tục chương trình hợp tác về y tế giúp hai tỉnh phòng và chống bệnh sốt rét mở rộng diện và đào tạo, chuyển giao để thực hiện... Hỗ trợ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vệ sinh môi trường sống...

- Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình, trong công tác thư viện, lưu trữ... tiếp tục hợp tác hỗ trợ trong công trình xây dựng bảo tàng hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.

8. Hợp tác về phát triển khoa học và công nghệ

- Hợp tác trong một số lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh, đặc biệt trong sản xuất nông, lâm nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng.

- Giúp hai tỉnh xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật cho khoa học công nghệ như phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu khoa học.

9. Hợp tác về phát triển kinh tế khu vực biên giới

- Tiếp tục đẩy mạnh giao lưu hợp tác kinh tế giữa các tỉnh của Việt Nam với hai tỉnh quá các cửa khẩu.

- Từng bước hình thành và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu vững mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Hợp tác bảo vệ môi trường, sinh thái, nguồn nước, động thực vật hoang dã quý hiếm tại khu vực biên giới giữa hai nước.

10. Hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng

- Tham gia hợp tác theo tuyến Hành lang Đông-Tây trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS): Tuyến hành lang Đông-Tây thứ hai (được gọi là Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS thứ hai) nối Quốc lộ 217 (từ Đò Lèn - cửa khẩu Na Mèo tỉnh Thanh Hóa) với các Quốc lộ 6, 1C, 6A, 6B của Lào.

- Hợp tác trong sản xuất và truyền tải điện: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và truyền tải điện trong khuôn khổ chương trình GMS và với các địa phương.

IV. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN HỢP TÁC, ĐẦU TƯ

Danh mục các dự án ưu tiên hợp tác, đầu tư tại hai tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng trong giai đoạn 2013-2015, hai bên căn cứ vào danh mục các chương trình, dự án do hai tỉnh đề xuất (theo Danh mục dự án kèm theo) để xem xét tại các kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ hàng năm.

V. CÁC GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Các Bộ, ngành liên quan của Lào sớm nghiên cứu, ban hành và áp dụng những chính sách ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng nhằm phát triển nhanh cơ sở hạ tầng và tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam, cụ thể:

- Dành tỷ trọng lớn hơn từ vốn đầu tư Nhà nước và các nguồn vốn đa phương và song phương cho hai tỉnh để đầu tư cho các dự án trọng tâm, trọng điểm về cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật…

- Có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng kinh doanh của khu vực tư nhân trong nước hoặc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, khai khoáng, năng lượng, viễn thông, bảo hiểm, du lịch, hạ tầng đô thị, khảo sát, thiết kế vận tải, chế biến, thương mại, dịch vụ...

- Đa dạng hóa và tăng cường các nguồn vốn phục vụ phát triển, khuyến khích các hình thức đầu tư phù hợp.

- Ưu tiên về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành cho hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng dành cho đầu tư phát triển trên địa bàn.

- Ưu đãi tiền thuê đất tại những địa bàn khó khăn, thiếu sức hấp dẫn đầu tư: áp dụng mức ưu tiên cao nhất theo Luật Khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

2. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh của Việt Nam, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng

- Duy trì các cuộc họp định kỳ cấp lãnh đạo giữa các tỉnh, cơ chế giao ban, phối hợp công tác giữa chính quyền các địa phương, cũng như các hoạt động trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan, đoàn thể của các tỉnh.

- Tiếp tục cải tiến thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh người và phương tiện tại các cửa khẩu. Củng cố công tác quản lý hành chính và cấp phép trong lĩnh vực thương mại đảm bảo nhanh chóng và thông thoáng hơn.

- Xây dựng các cụm dân cư tuyến biên giới với mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn, sinh sống lâu dài.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế các cặp cửa khẩu.

- Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan của Lào cùng phối hợp, hỗ trợ trong công tác phòng chống tội phạm. Đảm bảo an ninh và quan hệ hợp tác hữu nghị vùng biên giới hai nước.

- Tạo ra sự liên kết trách nhiệm trong việc triển khai các công trình hợp tác giữa các tỉnh biên giới hai nước. Các tỉnh biên giới thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai công trình hợp tác của hai bên và cùng hợp lực giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Các địa phương của Việt Nam nghiên cứu thành lập Văn phòng xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chung tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng để tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung và các tỉnh chung đường biên nói riêng.

- Xây dựng hệ thống văn phòng thông tin giao dịch và giới thiệu việc làm, làm cầu nối cho cung cầu lao động, đặc biệt cho lao động kỹ năng đối với các lĩnh vực hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.

VI. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

3.1. Đối với phía Lào

- Nguồn ngân sách đầu tư phát triển từ Chính phủ

Hàng năm, căn cứ vào cân đối nguồn ngân sách nhà nước, Chính phủ phân bổ ngân sách cho hai tỉnh với tỷ lệ ưu tiên đặc biệt.

- Nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu: Áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho hai tỉnh về thuế xuất nhập khẩu được để lại tại địa phương.

- Các nguồn thu ngân sách tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng được ưu tiên cao nhất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

- Đầu tư từ doanh nghiệp

Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại hai tỉnh.

3.2. Đối với phía Việt Nam

- Nguồn vốn viện trợ hàng năm dành cho Lào

Hàng năm, Chính phủ hai nước xem xét dành tỷ lệ thích đáng trong nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào giai đoạn 2011-2015 (tại Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật ký ngày 09/4/2011) và giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các chương trình, dự án được đề ra trong Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.

- Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Chính phủ

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Lào về ưu tiên hợp tác tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu xem xét cung cấp tín dụng ưu đãi phù hợp để xây dựng các tuyến đường nối biên giới Lào - Việt Nam nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước.

- Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam tại hai tỉnh

Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại hai tỉnh trong các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, xây dựng hạ tầng (đường giao thông, sân bay), dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng...

- Hỗ trợ từ các địa phương có điều kiện

Khuyến khích các địa phương có tiềm lực hỗ trợ hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng từ ngân sách của mình.

3.3. Các nguồn vốn khác

Các nguồn vốn đa phương (WB, EMFS ADB...), song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…), các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hai Bên giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, bổ sung và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của Bộ, ngành, địa phương tại hai tỉnh phù hợp với Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, CHDCND Lào đến năm 2020.

2. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với hai Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam đề xuất các chương trình, nội dung, kế hoạch hợp tác đến năm 2020 của Bộ, ngành, địa phương mình. Hai Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam có nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ mỗi bên để phê duyệt các dự án hợp tác cụ thể trong từng giai đoạn tại hai tỉnh.

3. Hai Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam làm đầu mối phối hợp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hoạt động hợp tác của các ngành, lĩnh vực và các địa phương tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng nhằm tránh sự chồng chéo, thiếu nhất quán, không hiệu quả trong quá trình hợp tác.

4. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày ký đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Trong quá trình thực hiện, nếu có yêu cầu điều chỉnh, bổ sung văn bản Thỏa thuận này, Hai Bên sẽ trao đổi, thống nhất bằng văn bản tại các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ. Nội dung điều chỉnh, bổ sung là bộ phận không thể tách rời của Thỏa thuận này và đưa vào Hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật hàng năm.

5. Thỏa thuận này được ký tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 2012, thành hai (02) bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một (01) bản./

 

TM. CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ




Cao Viết Sinh

TM. CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
THỨ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ




Bun-Tha-Vy Xỉ-Xụ-Phăn-Thoong

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN HỢP TÁC, ĐẦU TƯ
(kèm theo Thỏa thuận về Chiến Iược hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, CHDCND Lào đến năm 2020)

STT

TÊN DỰ ÁN

I

Tỉnh Hủa Phăn

1

Xây dựng tuyến đường nhựa từ Xăm Tạy đến Nậm Tay (biên giới Việt Nam), dài 36 km và 2 cầu.

2

Xây dựng tuyến đường nhựa từ Xăm Tạy đến Thalao (biên giới Việt Nam), dài 67km và 8 cầu.

3

Xây dựng tuyến đường từ bản Sonetai (Hủa Phăn) đến cửa khẩu Lạnh Bánh (Sơn La), dài 66km

4

Xây dựng Trung tâm tiếng Việt tại huyện Viêng Xay

5

Xây dựng Trung tâm thể thao tại huyện Viêng Xay

6

Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp

7

Xây dụng thủy lợi và hệ thống canh tác tổng hợp tại Nậm Hang, huyện Viêng Thoong

8

Xây dựng chợ biên giới tại cửa khẩu Pa Háng - Lóng Sập

9

Phát triển khu kinh tế - quốc phòng núi Chom Cup, bản Hủa Khăng, Sầm Nưa

10

Dự án cải tạo giống lúa tại huyện Viêng Xay

11

Xây dựng bệnh viện tại huyện Xiềng Khọ

12

Nâng cấp hệ thống phát thanh, truyền hình tại 9 huyện trong tỉnh

II

Tỉnh Xiêng Khoảng

1

Xây dựng đường cấp phối tiêu chuẩn cấp V từ bản Nậm Ngát đến mốc biên giới T10, huyện Mường Mọc, dài 22 km

2

Xây dựng tuyến đường cấp phối tiêu chuẩn cấp V từ bản Xảm Tre đến mốc biên giới T9, huyện Mường Mọc, dài 36km

3

Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường số 7 rải nhựa, đạt tiêu chuẩn cấp IV từ Phonsavan tới Nậm cắn, dài 132km

4

Xây dựng trường phổ thông cơ sở (1 nhà 2 tầng, 12 lớp học) tại Khăng Khai huyện Mường Pek

5

Xây dựng trường phổ thông trung học Pơng Xàm (1 nhà 2 tầng, 12 lớp học) tại bản Nhọt Liêng

6

Xây dựng trường phổ thông trung học Sẳm Păn Xay (1 nhà 2 tầng, 12 lớp học)

7

Dự án trồng cây làm thức ăn gia súc và phát triển giống cỏ, diện tích 500 ha tại 7 huyện, 21 bản

8

Dự án tiêm phòng dịch bệnh và thống kê gia súc tại 8 huyện, 12 bản

9

Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp

10

Xây dựng tuyến đường từ tỉnh Xiêng Khoảng ra cảng Nghi Sơn của Việt Nam, dài 250km

11

Xây dựng đường ống dẫn dầu từ Việt Nam sang tỉnh Xiêng Khoảng

12

Xây dựng kho chứa xăng dầu tại tỉnh Xiêng Khoảng