Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2016/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2016

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức về việc cho phép thành viên gia đình thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế làm việc có thu nhập, ký tại Béc-lin ngày 25 tháng 11 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 09 tháng 7 năm 2016.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VỀ VIỆC CHO PHÉP THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH THÀNH VIÊN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ VÀ PHÁI ĐOÀN THƯỜNG TRỰC TẠI TỔ CHỨC QUỐC TẾ ĐƯỢC LÀM VIỆC CÓ THU NHẬP

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức (sau đây gọi là “các Bên ký kết”),

Với mong muốn tạo điều kiện cho việc thực hiện các công việc có thu nhập đối với thành viên gia đình thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và phái đoàn thường trực tại một tổ chức quốc tế (sau đây gọi là “cơ quan đại diện”),

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Định nghĩa

Vì mục đích của Hiệp định này:

1. “Thành viên cơ quan đại diện” được hiểu là bất kỳ viên chức, nhân viên nào mà không phải là công dân hoặc người thường trú ở nước tiếp nhận và được Nước cử bổ nhiệm làm nhiệm vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc phái đoàn thường trực tại một tổ chức quốc tế trên lãnh thổ của Nước tiếp nhận.

2. “Thành viên gia đình” là những người sinh sống cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện sau đây:

a) vợ hoặc chồng theo quy định pháp luật của Nước cử và Nước tiếp nhận;

b) con chưa lập gia đình dưới 18 tuổi;

c) con chưa lập gia đình từ 18-25 tuổi của thành viên cơ quan đại diện, nếu vào thời điểm nhập cảnh Nước tiếp nhận với tư cách chính thức là người đi theo, người này dưới 18 tuổi;

3. “Công việc có thu nhập” là tất cả các loại hình công việc đem lại nguồn thu, có thể là tự làm chủ hoặc làm thuê, bao gồm cả đào tạo nghề.

Điều 2

Cho phép tham gia công việc có thu nhập

Trên cơ sở có đi có lại, thành viên gia đình được phép tham gia vào công việc có thu nhập ở Nước tiếp nhận. Người được phép làm việc có thu nhập theo Hiệp định này phải tuân thủ các quy định liên quan đến các ngành nghề cụ thể tại Nước tiếp nhận. Các đối tượng này được miễn thủ tục xin giấy phép cư trú khi tham gia vào công việc có thu nhập tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những người này sẽ được cấp giấy phép cư trú theo quy định.

Điều 3

Thủ tục cho phép

1. Khi thành viên gia đình có mong muốn tham gia làm việc có thu nhập, Cơ quan đại diện ngoại giao Nước cử phải có công hàm thông báo gửi Cục Lễ tân Nhà nước của Nước tiếp nhận. Trong Công hàm phải nêu rõ tên người tham gia làm việc có thu nhập, tên người sử dụng lao động và địa chỉ nơi làm việc, nghề nghiệp dự định tham gia và bản sao hợp đồng lao động.

2. Nếu thành viên gia đình đáp ứng các điều kiện của Hiệp định này. Cục Lễ tân Nhà nước của Nước tiếp nhận sẽ gửi thông báo bằng văn bản trong thời hạn tối đa ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Nước cử cho Cơ quan đại diện ngoại giao Nước cử về việc thành viên gia đình đó được phép làm việc có thu nhập hay không.

3. Cơ quan đại diện ngoại giao Nước cử phải thông báo cho Cục Lễ tân Nhà nước của Nước tiếp nhận khi thành viên gia đình chấm dứt làm việc có thu nhập. Trong trường hợp thành viên gia đình đó dự định làm việc có thu nhập khác, Cơ quan đại diện ngoại giao Nước cử phải gửi công hàm đề nghị mới tới Cục Lễ tân Nhà nước của Nước tiếp nhận.

Điều 4

Quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính

Trong trường hợp thành viên gia đình được hưởng các quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính tại Nước tiếp nhận theo Công ước Viên ngày 18 tháng 04 năm 1961 về Quan hệ ngoại giao hoặc theo bất cứ thỏa thuận quốc tế nào khác, quyền ưu đãi miễn trừ này không được áp dụng với mọi hành vi liên quan đến việc làm có thu nhập mà thành viên gia đình thành viên cơ quan đại diện được phép thực hiện tại Nước tiếp nhận.

Điều 5

Quyền miễn trừ xét xử về hình sự

1. Trong trường hợp thành viên gia đình được hưởng quyền miễn trừ tài phán về hình sự tại Nước tiếp nhận theo quy định tại Công ước Viên ngày 18 tháng 04 năm 1961 về Quan hệ ngoại giao hoặc theo bất cứ thỏa thuận quốc tế nào khác, quyền miễn trừ xét xử về hình sự này sẽ được áp dụng đối với các hành vi người đó thực hiện liên quan đến việc làm có thu nhập. Tuy nhiên, nếu có hành vi phạm tội thì Nước cử phải xem xét nghiêm túc bất kỳ yêu cầu nào của Nước tiếp nhận về việc từ bỏ quyền miễn trừ tài phán về hình sự đối với thành viên gia đình đó, trên cơ sở yêu cầu của Nước tiếp nhận.

2. Trong trường hợp Nước cử không từ bỏ quyền miễn trừ đối với thành viên gia đình có liên quan thì cơ quan tố tụng hình sự nước đó phải tiến hành truy tố đối với hành vi phạm tội hình sự được thực hiện. Nước tiếp nhận sẽ được thông báo về quá trình tố tụng và nếu Nước tiếp nhận coi đây là vấn đề nghiêm trọng thì có thể yêu cầu rút thành viên gia đình đó về nước.

3. Thành viên gia đình có thể được yêu cầu làm nhân chứng liên quan đến công việc có thu nhập trừ khi Nước cử từ chối do cho rằng việc này ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

Điều 6

Chế độ thuế và bảo hiểm xã hội

Thành viên gia đình phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội đối với việc làm có thu nhập mà họ được phép thực hiện tại Nước tiếp nhận nếu điều này không trái với quy định tại các điều ước quốc tế mà cả hai Bên ký kết đều là thành viên.

Điều 7

Chấm dứt việc cho phép làm việc có thu nhập

Giấy phép làm việc có thu nhập sẽ chấm dứt trong các trường hợp:

1. Người được phép làm việc có thu nhập không còn là thành viên gia đình theo quy định tại Hiệp định này;

2. Nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện đã kết thúc;

3. Đối tượng được phép làm việc có thu nhập không còn cư trú tại Nước tiếp nhận với tư cách thành viên gia đình thành viên cơ quan đại diện.

Điều 8

Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan đến việc thực hiện và giải thích Hiệp định này sẽ được giải quyết qua đường ngoại giao.

Điều 9

Hiệu lực, thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực Hiệp định

1. Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được công hàm sau cùng của các Bên ký kết qua đường ngoại giao thông báo về việc hoàn tất thủ tục nội luật để Hiệp định có hiệu lực.

2. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn. Một Bên ký kết có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định này bằng việc thông báo bằng văn bản ý định của Bên đó qua đường ngoại giao. Trong trường hợp này, Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày một Bên nhận được thông báo về ý định chấm dứt hiệu lực Hiệp định của Bên kia.

Làm tại Berlin, ngày 25 tháng 11 năm 2015 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Anh, các văn bản có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ dùng để đối chiếu.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




PHẠM BÌNH MINH
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC





FRANK-WALTER STEINMEIER
Bộ trưởng Ngoại giao