Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 386/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VỚI ASEAN

Ngày 21 tháng 11 năm 2016, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình quan hệ thương mại Việt Nam với ASEAN. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

1. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan:

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết về thương mại trong ASEAN với nội dung cụ thể, phương thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về cơ hội, thách thức để kịp thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

b) Nghiên cứu, làm rõ nhu cầu hàng hóa của thị trường ASEAN gắn với phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa từ thị trường Trung Quốc và các nước có điều kiện kinh tế, năng lực sản xuất tương đồng với Việt Nam; trên cơ sở đó, rà soát các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN để xác định những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, sức cạnh tranh và tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu đối với thị trường từng nước thuộc ASEAN, trước hết là các mặt hàng nông sản (thủy sản, gạo, rau quả, tiêu, cà phê, điều), cao su, vật liệu xây dựng, sản phẩm Halal, sắt thép và sản phẩm sắt thép... để tập trung thực hiện các biện pháp phù hợp khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu.

c) Tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với cơ quan liên quan của nước nhập khẩu để thúc đẩy đàm phán, ký kết và thực thi các thỏa thuận thương mại cấp Chính phủ, trước hết là đối với gạo và các mặt hàng nông sản khác.

d) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp liên quan tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, tổ chức chương trình giao thương, kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mở rộng thị trường, bạn hàng nhập khẩu, tập trung cho các mặt hàng tiềm năng, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

đ) Tăng cường công tác thông tin thị trường, các hoạt động giới thiệu, trưng bày hàng hóa tại nước ngoài; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt thường niên tại các thị trường tiềm năng để tăng cường tiếp cận thị trường nước sở tại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam.

e) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lại cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt tại nước ngoài; thâm nhập và thiết lập quan hệ đối tác lâu dài, chiến lược với các chuỗi phân phối ở thị trường các nước ASEAN nhằm tiếp tục mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này.

g) Chủ động, kịp thời ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tăng cường rà soát, nắm chắc diễn biến, tình hình nhập khẩu của những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ, phát triển sản xuất trong nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế.

h) Làm việc với cơ quan chức năng của Indonesia để đề nghị, vận động bãi bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với điện thoại di động nhập khẩu tại thị trường Indonesia.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tập trung rà soát các rào cản thương mại của nước nhập khẩu, nhất là các hàng rào về kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm để khẩn trương làm việc với các cơ quan có chức năng có liên quan của nước nhập khẩu nhằm đẩy nhanh đàm phán, ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau, kịp thời tháo gỡ khó khăn về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (như xuất khẩu thịt, sản phẩm thịt và trứng gia cầm sang Singapore; trái cây sang Thái Lan; việc công nhận hệ thống kiểm soát, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Việt Nam...).

3. Các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, rà soát cụ thể tình hình nhập khẩu từng mặt hàng và nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật quản lý chuyên ngành phù hợp để tăng cường quản lý nhập khẩu, có tính đối đẳng như các nước áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, TC, NG, KHCN, NNPTNT, XD, GTVT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: QHQT, TKBT, TH; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3). LT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp