Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 253/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2018

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Ngày 16 tháng 7 năm 2018, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đại diện các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về tình hình thiên tai đến cuối năm 2018, đặc biệt là diễn biến của các áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và nguy cơ hình thành bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta những ngày tới, Phó Thủ tướng kết luận và chỉ đạo như sau:

1. Về tình hình thiên tai:

Từ đầu năm 2018, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét đậm, rét hại, dông lốc, mưa đá, nắng nóng liên tục xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân và nhà nước. Thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; trên 500 nhà bị đổ, sập, trên 12.000 nhà bị hư hại, gần 2.000 nhà bị ngập, trên 14.000 ha lúa và hoa màu, 1.600 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; tổng thiệt hại về kinh tế trên 860 tỷ đồng. Đặc biệt từ ngày 23 đến 26 tháng 6 năm 2018 đã xảy ra mưa lớn tại khu vực miền núi phía Bắc, gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang (33 người chết và mất tích, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị phá hủy, nhiều khu dân cư bị sạt lở, chia cắt).

2. Về công tác phòng chống thiên tai:

Công tác phòng, chống thiên tai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 về công tác phòng chống thiên tai. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; quyết định hỗ trợ kinh phí để các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý khẩn cấp các sự cố đê điều, hồ đập thủy lợi, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục: Chính quyền và người dân ở một số vùng còn có tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai, chưa chủ động phòng ngừa, khi xảy ra thiên tai mới tập trung ứng phó bị động. Công tác dự báo, cảnh báo đã tốt hơn nhưng mức độ chi tiết, chất lượng, độ tin cậy cần tiếp tục cải thiện, nhất là dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Công trình phòng chống thiên tai, công trình xây dựng của nhà nước và nhà ở của người dân còn yếu, chưa đủ khả năng chống chịu với những thiên tai lớn, nhất là bão mạnh, siêu bão. Nhiều công trình đê điều, hồ đập thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa bảo đảm cao trình chống lũ, tình trạng thẩm lậu, đùn sủi, sạt trượt mái đê, mái đập thường xuyên xảy ra. Thông tin về thiên tai, chỉ đạo ứng phó đến người dân còn rất khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, các thôn bản miền núi. Một số thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thuộc Bộ, ngành chưa chủ động thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được phân công.

3. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Hiện nay đã vào thời kỳ mưa bão chính vụ. Thiên tai diễn biến bất thường, mưa lớn tập trung trong tháng 7 và tháng 8 ở Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lũ lớn năm 2018. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, tập trung làm tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, trước hết là triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại; khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

a) Tập trung chỉ đạo ứng phó bão số 3: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết phải đảm bảo an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển; thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn tàu thuyền, ứng phó với úng ngập, sạt lở đất khi mưa lớn.

b) Các địa phương chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, đặc biệt rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, các khu vực bị ngập lụt do mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.

c) Ban Chỉ, đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành lập ngay các đoàn kiểm tra do lãnh đạo các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị, phương án phòng chống thiên tai của các địa phương, trong đó tập trung kiểm tra phương án huy động lực lượng, tổ chức sơ tán và bảo đảm an toàn dân cư khi thiên tai, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lớn, các địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai.

4. Về các kiến nghị.

a) Về xử lý vốn khắc phục sự cố đê điều, hồ đập xung yếu: Văn phòng Chính phủ đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa lũ.

b) Về việc xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai quốc gia: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan để thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban QG Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai;
- Các Bộ: QP, CA, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, CT, XD, TT&TT, KH&ĐT, TC;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Đài THVN, Đài TNVN,TTXVN, Báo ND;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: TH, NC, KTTH, CN, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (2), Tuynh.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục