Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2020

 

THÔNG BÁO

PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2019 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2020 CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM

Ngày 25 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVN. Sau khi nghe lãnh đạo EVN báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Năm 2019, mặc dù tình hình trên thế giới có nhiều biến động song kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội được Quốc hội giao (trong đó 5 chỉ tiêu vượt); tăng trưởng GDP đạt trên 7,0% thuộc nhóm những nước có tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực (tiếp tục duy trì được đà tăng cao của năm 2018), tăng trưởng đều trên cả 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ); kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và được kiểm soát; nhiều kỷ lục được xác lập như kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đạt mức trên 500 tỷ USD (khoảng 517 tỷ USD), xuất siêu đạt gần 10 tỷ USD, khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến trên 18 triệu, đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, dự trữ ngoại hối. Năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội, nhất là đầu tư tư nhân.

Khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; kết cấu hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng và lãng phí được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực (giảm khoảng 1,5%, còn dưới 4%). Trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Văn hóa, xã hội được chú trọng, thể dục thể thao phát triển. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ở khắp mọi vùng miền tiếp tục được cải thiện rõ rệt; số lượng người dân có thu nhập cao, trung lưu ngày một tăng. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Kết quả trên tiếp tục tạo đà và động lực mới, khí thế mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành điện lực Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Biểu dương, khen ngợi cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn và ngành Điện đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao, cụ thể là:

- Tập đoàn đã cơ bản đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống điện quốc gia đã đạt gần 55.000 MW, trong đó tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt gần 29.500 MW, chiếm 54% công suất đặt của toàn hệ thống. Điện thương phẩm năm 2019 đạt khoảng 209,5 tỷ kWh, tăng gần 9% so với năm 2018. Hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã có quy mô lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới. Để đạt được kết quả này đã có sự cố gắng rất lớn của các cấp các ngành, đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh khó khăn thiếu nguồn điện phải huy động các nguồn điện chạy dầu nhiều có giá thành cao. Nộp ngân sách khoảng 27.000 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với năm 2018; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,25 lần, tỷ lệ tự đầu tư 30,7% đạt yêu cầu của Bộ Tài chính.

- Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, xã hội được giao, nhất là cung cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn đã thực hiện đưa điện đến 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn; nhiều vị trí chiến lược trên biển có điện. Với thành tích đã đạt được, EVN đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất vào tháng 10 năm 2019.

- Tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ số tiếp cận điện năng đạt kết quả rất ấn tượng, tiến bộ vượt bậc trong giai đoạn qua, được đánh giá đạt thứ hạng 27/190 quốc gia trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Thời điểm khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia vào đầu tháng 12 vừa qua, EVN đã tham gia ngay 4 nội dung tiếp nhận, giải quyết qua mạng, đến nay đã tham gia 12 nội dung. Đây là cố gắng rất lớn, là dấu ấn mạnh mẽ của Tập đoàn trong công tác dịch vụ khách hàng, hướng tới việc giải quyết cung cấp dịch vụ không cần gặp gỡ giữa khách hàng và cán bộ nhân viên, nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch. Tập đoàn đã tích cực tham gia công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trong quản lý vận hành nhà máy điện và các trạm biến áp; có đến 620 trạm biến áp 110 - 220 kV không có người trực...

- Đã cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu được giao trong kế hoạch 5 năm như tổn thất điện năng đạt 6,5% thấp hơn kế hoạch; chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện một cách rõ nét; tổng thời gian mất điện của khách hàng giảm 11% so với năm 2018 (một số tổng công ty điện lực về đích sớm từ 01 - 02 năm so với kế hoạch 5 năm).

- Đã thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực. EVN đã có nhiều cố gắng thực hiện giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ môi trường. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ đạt 70% cao hơn nhiều so với các năm trước. Nhiều đơn vị trong ngành có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm ngăn chặn phát tán bụi và “xanh hóa” khu vực bãi xỉ, xử lý tro, xỉ nhiễm dầu... Đây là tín hiệu tích cực cần được tiếp tục quan tâm.

- Là tập đoàn nhà nước gương mẫu, tiên phong bước đầu quan trọng đối với các yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, đi đầu trong thực hiện đấu thầu qua mạng.

- Tích cực quan tâm đến an sinh xã hội, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác khắc phục thiên tai.

- Đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và trong cả Tập đoàn; dân chủ trong nhân sự bước đầu được phát huy; cán bộ công nhân viên ngành Điện nói chung, nhất là EVN quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm được tăng cường.

3. Bên cạnh các kết quả đạt được, EVN và ngành Điện nước ta hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Nhiều dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là hiện hữu. Nhiều báo cáo cho thấy có đến 35 dự án nguồn điện đang triển khai với tổng công suất 39.000 MW hiện đang chậm tiến độ trên 01 năm (mới tính các nguồn điện có quy mô công suất trên 200 MW), trong đó, EVN có 07 dự án chậm tiến độ. Đây là tồn tại chung cho cả ngành Điện và có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; EVN với vai trò nòng cốt có trách nhiệm cao nhất và có trách nhiệm nêu gương tìm biện pháp tháo gỡ.

- Phát triển lưới điện truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia, nhiều dự án chậm tiến độ. Năm 2019, Tập đoàn đã rất cố gắng trong đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải song vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng yêu cầu đấu nối, nhất là khi phát triển nhanh nguồn điện mặt trời trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc.

Về tồn tại này, Tập đoàn cần rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ, kể cả việc thí điểm xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải để không lãng phí mọi nguồn lực đầu tư vào ngành Điện. Đây là nội dung được xã hội rất quan tâm thời gian qua và cũng được Chính phủ quan tâm biện pháp tháo gỡ nhằm phát huy hiệu quả chung, đảm bảo cung ứng điện.

- Năng suất lao động ngành Điện mặc dù tiếp tục được cải thiện song nhìn chung còn thấp. Năm 2019, năng suất suất lao động của EVN tiếp tục tăng trưởng cao 10%, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế song đánh giá chung vẫn thấp hơn so với nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực (TNB - Malaysia, EGAT - Thái Lan...). Tập đoàn cần tiếp tục quan tâm khắc phục để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thông qua các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia, sử dụng lưới điện thông minh, đo đếm điện thông minh v.v...

- Thực hiện lộ trình tăng giá điện thời gian qua còn gây phản ứng của người dân. Điều này do nhiều nguyên nhân song trước hết là công tác truyền thông, thông tin trong ngành Điện còn chậm đổi mới. Sự phối hợp để tạo sự đồng thuận giữa các cấp các ngành còn chưa tốt.

- Một số việc vẫn còn lãng phí, nhất là tiết kiệm điện chưa thành phong trào được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Tập đoàn cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn có sức lôi cuối mọi tầng lớp nhân dân có hành động thiết thực tiết kiệm điện trong sử dụng điện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư thích đáng cho phát triển ngành Điện với mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, EVN phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào xây dựng định hướng chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ tới.

Năm 2020, là năm có ý nghĩa rất quan trọng; năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử Hội đồng nhân dân, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp; năm về đích của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trên phương diện quốc tế, là năm Việt Nam là chủ tịch ASEAN và là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc... Trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen, dự báo ngành Điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. EVN phải nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp EVN đề ra cho năm 2020; tinh thần chung lớn nhất là phải đảm bảo chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện - đây là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ. EVN với vai trò trụ cột trong ngành Điện cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Trong điều kiện khó khăn về cung ứng diện do chậm tiến độ nhiều nguồn điện, cộng thêm điều kiện hạn hán, nước về các hồ thủy điện thấp, EVN phải phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong ngành điện, tính toán các biện pháp thích hợp để điều hành hệ thống tốt nhất, đảm bảo cung ứng điện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Để xử lý một số việc còn chưa có sự thống nhất và thông suốt trong thời gian qua, yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải phối hợp điều hành tốt về cung cấp than và khí cho phát điện với quan điểm là nếu thiếu khí phải ưu tiên cho phát điện.

2. Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện được giao đúng tiến độ, nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách. EVN và các Bộ, cơ quan liên quan cần tập trung, phối hợp chặt chẽ thực hiện:

- EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện đang triển khai hiện nay, gồm các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái, đặc biệt là các dự án trong chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh.

- Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải giải quyết nhanh các kiến nghị của EVN và Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam để thúc đẩy, đảm bảo tiến độ các dự án điện, không để tình trạng trì trệ kéo dài như trường hợp các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 v.v... Yêu cầu các cấp, các ngành liên quan thường xuyên giao ban, đôn đốc kiểm tra tiến độ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải đồng bộ để giải tỏa công suất các nhà máy điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các khu vực có bức xạ mặt trời cao như tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án điện cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2020 để xem xét, ban hành tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án cấp bách, góp phần đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn tới.

- Các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT có quy mô lớn trong giai đoạn tới và giữ vai trò quan trọng trong cung ứng điện giai đoạn tới. Yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc tiến độ các dự án BOT đã ký Hợp đồng và đang thực hiện đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng BOT và GGU đối với các dự án đã có chủ trương.

- Các địa phương liên quan như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ v.v..., Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện, giải quyết nhanh các thủ tục, vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải, không để chậm trễ, ách tắc việc này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu tự cường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiếp tục tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư xây dựng các dự án bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ để phát triển tốt hơn.

4. Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm điện, phải đưa tiết kiệm điện thành phong trào sâu rộng, có sức lôi cuối mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan liên quan và EVN xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2020 để triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2020 và các năm tiếp theo.

5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các biện pháp để thực hiện tốt hơn nữa chỉ số tiết kiệm điện năng, phấn đấu nhóm đầu các nước ASEAN và hướng tới mục tiêu các nước OECD.

6. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực và sử dụng điện. EVN phải gương mẫu trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than để tạo sự đồng thuận của nhân dân, khai thác hiệu quả các nhà máy điện than gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương có nhà máy. Bộ Công Thương có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy mô phát triển nhiệt điện than trong quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

7. Xây dựng Đảng bộ, Chi bộ vững mạnh; chú trọng đến công tác cán bộ, tuyển chọn người tài, người có năng lực trong bộ máy để phát triển bền vững, mạnh mẽ Tập đoàn và ngành Điện Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan biết, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, KHĐT, TC, XD, TNMT, NNPTNT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TH, KTTH, NN, ĐMDN;
- Lưu: VT, CN (2) nvq.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục