Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THOẢ THUẬN

VỀ VIỆC THÀNH LẬP UỶ BAN HỖN HỢP VỀ HỢP TÁC KINH TẾ VÀ UỶ BAN HỖN HỢP VỀ THƯƠNG MẠI GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ PHI-LIP-PIN (1992).

Nhằm thực hiện Hiệp định cơ bản về hợp tác kinh tế và khoa học- kỹ thuật và Hiệp định về thương mại, tạo điều kiện dễ dàng và thúc đẩy sự hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa Chính phủ, Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế (JCEC) và Uỷ ban hỗn hợp về thương mại (JCT) giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Philíppin được thành lập theo các điểm sau:

1. Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và Uỷ ban hỗn hợp về thương mại sẽ do các quan chức cao cấp làm Đồng chủ tịch với số lượng thành viên do hai bên thoả thuận.

2. Các Uỷ ban sẽ họp khi cần theo sự thoả thuận của hai Bên và luân phiên ở Việt Nam và Philíppin.

3. Về sau này khi cần sẽ lập ra các tiểu ban nhằm tạo thuận lợi cho sự hợp tác trên các lĩnh vực do hai Uỷ ban xác định.

a. Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế:

Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế có các chức năng sau:  

1. Kiểm điểm quan hệ kinh tế giữa hai nước và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy / tăng cường các mối quan hệ đó;

2. Kiểm điểm công việc của các Tiểu ban có thể sẽ được thành lập sau này;

3. Trao đổi thông tin về các hoạt động hoặc các dự án quan trọng sẽ được thực hiện và đề ra các thủ tục cần thiết nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện các dự án đó;

4. Bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định kinh tế giữa hai Chính phủ.  

b. Uỷ ban hỗn hợp về thương mại :

Uỷ ban hỗn hợp về thương mại có các chức năng sau:  

1. Kiểm điểm và theo dõi tình hình thương mại giữa hai nước

2. Phát triển Nghị định thư thương mại về khối lượng và giá trị cụ thể nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước;

3. Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện sự trao đổi các sản phẩm ghi trong nghị định thư;

4. Đóng vai trò diễn đàn để thảo luận về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại có thể nảy sinh giữa nước và trình các khuyến nghị thích hợp lên hai Chính phủ;

5. Khuyến nghị các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong việc thực hiện Hiệp định thương mại hoặc trong quá trình phát triển thương mại giữa hai nước ; và

6. Xác định các lĩnh vực thích hợp trong sự hợp tác thương mại và các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đặc biệt là những lĩnh vực có triển vọng tăng cường sự trao đổi thương mại hai bên cùng có lợi.  

c. Chức năng của các Tiểu ban có thể được thành lập sau này sẽ được trình bày lên Uỷ ban hữu quan thông qua.

Thoả thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi đại diện hai Bên ký. Thoả thuận sẽ có hiệu lực trong một năm và sẽ tự động kéo dài hiệu lực từng năm một, trừ phi ba tháng trước khi hết hiệu lực một trong hai Bên bày tỏ ý định bằng văn bản chấm dứt Thỏa thuận

Bất cứ khi nào trong khi Thoả thuận còn có hiệu lực, Bên này hoặc Bên kia sẽ phúc đáp trong vòng 120 ngày kể khi nhận được văn bản đó.

Làm tại Manila ngày 27 tháng 2 năm 1992 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hai bản đều có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO




Nguyễn Mạnh Cầm

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ PHILIPIN
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO




RAUL S. Manglapus

 

BỘ NGOẠI GIAO
-------

SAO Y BẢN CHÍNH

"Để báo cáo, Để thực hiện"

Số: 87/LPQT

Hà Nội, ngày 17 tháng12 năm 1992

 

Nơi gửi:
· VPCP,
· UBKHNN,
· Bộ Tài chính,
· Bộ Thương mại,
· Bộ KH- CN và MT,
· ĐSQ VN tại PLP,
· VỤ ĐNÁ- TBD,
· LPQT
· Lưu trữ .

TL.BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LP VÀ ĐU QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Văn Thịnh