Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6341/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 30 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC, SẮP XẾP LẠI, GIẢI THỂ CÁC TRẠM PHÁT LẠI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét đề nghị của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An tại Tờ trình số 831/TTr-PTTH ngày 10/11/2015 và ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, UBND các huyện có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tổ chức, sắp xếp lại, giải thể các Trạm phát lại phát thanh - truyền hình trên địa bàn tỉnh Nghệ An với các nội dung chính như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG:

1. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục duy trì quản lý, vận hành hoạt động của 02 Trạm phát lại phát thanh: Tây Bắc (huyện Quỳ Hợp), VOV (huyện Tương Dương) để tiếp phát lại các chương trình VOV theo Kế hoạch phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam; tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia duy trì, đầu tư nâng cấp thiết bị để tiếp, phát các chương trình phát thanh của VOV, NOV đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc.

2. Tiếp tục duy trì hoạt động 03 Trạm phát lại: Châu Bình, Châu Bính (huyện Quỳ Châu); Châu Thôn (huyện Quế Phong) và chuyển giao nguyên trạng cho Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện quản lý, khai thác.

3. Chấm dứt hoạt động tiếp, phát lại phát thanh, truyền hình tại 12 Trạm phát lại đang ngừng hoạt động và hoạt động kém hiệu quả: Môn Sơn (huyện Con Cuông); Tam Thái, Yên Na, Nga My (huyện Tương Dương); Mường Lống, Huồi Tụ, Mỹ Lý, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn); Tam Hợp, Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp); Thông Thụ, Tri Lễ (huyện Quế Phong).

Trong số 12 Trạm phát lại trên, chuyển đổi hoạt động của 07 Trạm phát lại: Môn Sơn (Con Cuông); Tam Thái, Nga My (Tương Dương); Huồi Tụ, Mường Lống, (Kỳ Sơn); Tam Hợp (Quỳ Hợp); Tri Lễ (Quế Phong) thành mô hình các Đài truyền thanh cơ sở để chuyển giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý, sử dụng; các Trạm phát lại còn lại tiến hành việc giải thể.

4. Tiếp tục mở rộng việc lắp đặt các cụm nghe, xem sử dụng năng lượng mặt trời tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, các Đồn Biên phòng chưa có điện lưới, không có thủy điện nhỏ. Hướng ưu tiên lắp đặt trạm tại các vùng khó khăn nhất trước, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân tại các thôn bản chưa có điện lưới trên địa bàn tỉnh được nghe, xem các chương trình phát thanh - truyền hình quốc gia và của tỉnh.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan lập Dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt về việc hỗ trợ một phần kinh phí mua đầu thu vệ tinh xem các chương trình truyền hình Nghệ An (NTV) và các chương trình của VTV cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các huyện miền núi vùng cao, biên giới; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, đơn vị liên quan lập Dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, lắp đặt các Đài Truyền thanh cơ sở tại các xã có Trạm phát lại được chuyển giao về UBND xã quản lý nhằm mở rộng diện phủ sóng phát thanh đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

II. BỐ TRÍ, GIẢI QUYẾT NHÂN SỰ

1. Số viên chức (10 người):

- Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014 ngày 20/11/2014 của Chính phủ: 03 người (trong đó 02 người xin thôi việc, 01 người xin nghỉ hưu trước tuổi).

- Điều chỉnh giảm chỉ tiêu biên chế từ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để chuyển giao 06 viên chức cho Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

- 01 viên chức giữ nguyên vị trí việc làm tại Trạm phát lại VOV Tây Bắc (huyện Quỳ Hợp).

2. Số lao động hợp đồng (22 người), sắp xếp, bố trí như sau:

- Bố trí 07 lao động hợp đồng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp, phát sóng VOV tại Trạm phát lại Tây Bắc (huyện Quỳ Hợp) và Trạm tiếp, phát sóng VOV huyện Tương Dương.

- 15 lao động hợp đồng còn lại:

+ Chuyển giao 02 lao động hợp đồng hiện có tại Trạm phát lại Châu Bình (huyện Quỳ Châu) về UBND huyện Quỳ Châu quản lý để vận hành, khai thác Trạm phát lại Châu Bình.

+ 03 lao động hợp đồng tại các Trạm phát lại: Huồi Tụ, Mỹ Lý, Na Ngoi huyện Kỳ Sơn giao cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và chuyển giao cho UBND các xã bố trí làm cán bộ truyền thanh cơ sở.

+ 10 lao động hợp đồng còn lại tại các Trạm phát lại, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh rà soát, thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định sau khi có Quyết định của UBND tỉnh về tổ chức, sắp xếp lại, giải thể các Trạm phát lại phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh.

- Số hợp đồng lao động sau khi chấm dứt hợp đồng với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được hưởng kinh phí trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

- UBND các xã tiếp nhận các Trạm phát lại làm Đài truyền thanh cơ sở nếu chưa bố trí cán bộ truyền thanh cơ sở thì tiếp nhận số lao động Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chấm dứt hợp đồng vào đảm nhận nhiệm vụ cán bộ truyền thanh cơ sở theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh; phụ trách quản lý, vận hành các cụm nghe xem phát thanh, truyền hình sử dụng năng lượng mặt trời tại các cụm bàn dân cư.

III. VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ KỸ THUẬT

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện có liên quan tiến hành việc rà soát, kiểm kê, đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật để tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao, thanh lý theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với phương án kiện toàn, tổ chức, sắp xếp lại, chấm dứt hoạt động của các Trạm phát lại.

IV. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

- Tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cán bộ, viên chức, người lao động.

- Không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

V. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện Đề án trong quý IV/2015 và Quý I/2016.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Chủ trì thực hiện Đề án, quán triệt chủ trương, nội dung Đề án đến tận cán bộ, viên chức, người lao động hiện đang công tác tại các Trạm phát lại biết để thực hiện.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện có liên quan chuyển giao viên chức, lao động hợp đồng về các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo đúng quy định;

- Phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, UBND các xã chuyển giao, thanh lý tài sản hiện có tại các Trạm phát lại (đất đai, nhà cửa, trang thiết bị...) theo đúng quy định và nội dung Đề án.

- Thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng tiếp tục quản lý, vận hành, khai thác các Trạm phát lại do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục quản lý.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành việc tinh giản biên chế cho 03 viên chức nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo nguyện vọng của cá nhân.

- Thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động với số lao động không chuyển giao về Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và không bố trí tại các Trạm phát lại do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh quản lý theo đúng quy định của Luật Viên chức, Luật Lao động.

- Thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc đối với số lao động chấm dứt hợp đồng với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh theo quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện có liên quan chuyển giao các Trạm phát lại đang hoạt động về Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo đúng chức năng, nhiệm vụ; Chỉ đạo các đơn vị viễn thông phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các xã thực hiện việc chuyển giao hợp đồng thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (đất đai, nhà cửa, cột ăngten) tại các Trạm phát lại hiện đang phục vụ kinh doanh dịch vụ viễn thông: Trạm phát lại Tam Thái (huyện Tương Dương), Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) cho UBND các xã nơi có trạm phát lại.

3. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện có liên quan chuyển giao viên chức, lao động hợp đồng tại các Trạm phát lại về UBND các huyện quản lý; Phối hợp giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ đối với số viên chức đủ điều kiện tinh giản biên chế.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện giải quyết những vướng mắc về bộ máy cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng tại các Trạm phát lại theo đúng quy định.

4. Sở Tài chính

- Phối hợp, hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện thực hiện việc kiểm kê, đánh giá, chuyển giao, thanh lý tài sản (đất đai, nhà cửa, thiết bị kỹ thuật) tại các Trạm phát lại theo đúng quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh về kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc cho số lao động chấm dứt hợp đồng với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

- Xem xét, tham mưu UBND tỉnh về kinh phí chi trả tiền lương cho số hợp đồng lao động được UBND các huyện tiếp nhận để tiếp tục quản lý vận hành, khai thác các Trạm phát lại đang tiếp tục hoạt động và kinh phí cho số lao động hợp đồng được UBND các xã tiếp nhận bố trí làm nhiệm vụ cán bộ truyền thanh cơ sở bán chuyên trách, sau khi Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chấm dứt hợp đồng lao động.

5. Ban Dân tộc

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông để lắp đặt các cụm nghe xem sử dụng năng lượng mặt trời, hỗ trợ đầu chảo thu vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.

6. Ủy ban nhân dân các huyện có Trạm phát lại phát thanh - truyền hình

- Ủy ban nhân dân các huyện phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Nội vụ tiếp nhận số viên chức, lao động hợp đồng do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chuyển giao để thực hiện nhiệm vụ quản lý truyền thanh cơ sở, quản lý các cụm nghe xem cộng đồng theo đúng quy định.

- Ủy ban nhân dân các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp nhận các Trạm phát lại: Châu Bình, Châu Bính (huyện Quỳ Châu); Châu Thôn (huyện Quế Phong).

- Chỉ đạo các Phòng chuyên môn liên quan, UBND các xã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản (đất đai, nhà cửa trên đất) tại các Trạm phát lại sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc tổ chức, sắp xếp lại, giải thể các Trạm phát lại phát thanh, truyền hình.

Điều 2. Giao Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện có liên quan triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ và hiệu quả.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tài chính; Trưởng Ban Dân tộc; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, PCT (VX) UBND tỉnh;
- UBND các xã có Trạm phát lại Phát thanh truyền hình (do UBND các huyện trên sao gửi);
- PVP (VX) UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường