Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 545/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2020-2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 54/TTr-SNN ngày 08 tháng 01 năm 2020 về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025”.

Điều 2.

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan thường trực chủ trì triển khai thực hiện Đề án, yêu cầu đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo đúng quy định; tổng hợp, tham mưu, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, quận-huyện liên quan triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Giao Ủy ban nhân dân các quận-huyện, căn cứ Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025” của Ủy ban nhân dân thành phố được ban hành kèm theo Quyết định này, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm trên địa bàn.

3. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận-huyện và Sở-ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện cho các đơn vị vào dự toán chi ngân sách hàng năm đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án trong giai đoạn 2020 - 2025.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- UBND 05 huyện;
- UBND các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh và Tân Phú;
- VPUB: PCVP/KT;
- Phòng KT, VX;
- Lưu: VT, (KT/H.A) MH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 - 2019

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 - 2019

1. Tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố:

- Tính đến tháng 4/2019, thành phố có 3.995 hộ, cơ sở chăn nuôi heo với tổng đàn 242.319 con (không tính heo con theo mẹ), trong đó có 34.250 nái sinh sản (chiếm 14,13%), đàn thịt là 135.602 con (chiếm 55,96%); có 02 xí nghiệp chăn nuôi heo doanh nghiệp nhà nước quản lý với tổng đàn là 31.503 con, trong đó tổng đàn nái sinh sản là 4.460 con (chiếm 14,16%), heo thịt là 13.439 con (chiếm 42,66%). So với năm 2015, tổng đàn heo trên địa bàn thành phố đã giảm 33,10%, đàn nái đã giảm 32,86%, số hộ chăn nuôi giảm 47,90%. Ngoài ra, thành phố còn có 2.976 con heo rừng lai, được nuôi tại 97 hộ chăn nuôi; so với năm 2015, đàn heo rừng tăng 75,47% về tổng đàn và 4,85 lần về số hộ chăn nuôi (20 hộ, 1.696 con năm 2015). Chăn nuôi heo đã chuyển dịch từ các quận ven nội về các huyện ngoại thành, trong đó chủ yếu tập trung tại huyện Củ Chi (60,28% số hộ chăn nuôi và 61,05% tổng đàn heo của thành phố), huyện Bình Chánh (14,29% hộ chăn nuôi và 18,70% tổng đàn) và Hóc Môn (10,19% số hộ chăn nuôi và 8,62% tổng đàn) (Phụ lục 1).

- Quy mô bình quân là 60,66 con/hộ, trong đó đàn nái là 10,08 con/hộ, đàn thịt là 49,04 con/hộ. So với năm 2015, quy mô tăng 28,41% (47,24 con/hộ năm 2015), trong đó đàn nái tăng 26,31% (7,98 con/hộ năm 2015) và đàn thịt tăng 31,24% (37,37 con/hộ năm 2015). Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 10 con giảm 21,74% so với tổng đàn và 48,62% so với tổng hộ (từ 8,55% tổng đàn và 45,85% tổng hộ năm 2015 giảm còn 6,69% tổng đàn và 23,56% tổng hộ năm 2019); quy mô từ 10 - 50 con/hộ giảm 46,98% so với tổng đàn và 48,78% so với tổng hộ (từ 50,74% tổng đàn và 69% tổng hộ năm 2015 giảm còn 26,9% tổng đàn và 35,34% tổng hộ); quy mô >100 con/hộ giảm 15% so với tổng đàn và 38,84% so với tổng hộ (từ 47,09% tổng đàn và 7,15% tổng hộ năm 2015 giảm còn 40,02% tổng đàn và 4,37% tổng hộ) (Phụ lục 2).

- Do áp lực đô thị hóa, dịch bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi, giá cả (đầu vào và đầu ra) không ổn định, nhất là đợt giảm giá mạnh từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2018, các hộ chăn nuôi heo đã chuyển dịch sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Các hộ chăn nuôi đã chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp như cho thuê nhà trọ, kho bãi (72,5%), nuôi lươn (22,5%), nuôi bò thịt (2,5%), trồng nấm (1,7%), trồng rau (0,4%), nuôi chó kiểng (0,4%). Những cơ sở duy trì chăn nuôi có khuynh hướng chuyển dịch sang quy mô chăn nuôi tập trung và sản xuất con giống.

2. Áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ cải thiện chất lượng giống:

- Giai đoạn 2015 - 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức giám định bình tuyển 2.019 con heo đực giống. Kết quả cho thấy, tỷ lệ heo đực giống cấp I đạt 100%, đặc cấp chiếm trên 96%. Hàng năm, thành phố cung cấp cho sản xuất trên 1.000.000 con heo giống các loại và hơn 1.000.000 liều tinh heo giống cho chăn nuôi tại thành phố và các tỉnh.

- Thành phố tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp BLUP để đánh giá và cải thiện chất lượng đàn heo. Kết quả một số chỉ tiêu sinh sản, sinh trưởng của đàn heo đã được cải thiện như số lứa đẻ đạt 2,26 lứa đẻ/nái/năm, số con sơ sinh 10,2 con/ổ, số con sơ sinh đạt 23,05 con/nái/năm, ngày nuôi heo đạt trọng lượng 90 kg là 120 ngày tính từ khi cai sữa (giảm 19 ngày), tiêu tốn thức ăn (FCR) 2,4 - 2,5 kg thức ăn/kg tăng trọng, độ dày mỡ lưng 10,25 mm, tăng trọng bình quân 750 g/ngày; đã cấp 53 giấy chứng nhận theo phương pháp BLUP cho 26 nhóm heo giống có năng suất đặc biệt của Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn - Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo và giúp người chăn nuôi tiếp cận được với các giống heo có năng suất, chất lượng tốt.

- Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri) và Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong đã hình thành hệ thống sản xuất giống 4 cấp. Từ đó, trở thành các đơn vị giữ vai trò chủ lực trong việc trực tiếp nhập heo và tinh giống từ nước ngoài để làm tươi máu, chọn lọc nhân giống đàn heo thuần, lai tạo, cung cấp heo hậu bị và heo thương phẩm có năng suất, chất lượng tốt, giúp giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tổng đàn nái 14.000 con (Sagri là 11.500 con, HTX Tiên Phong là 2.500 con), trong đó GGP là 1.673 con (Sagri là 1.434 con và HTX Tiên Phong là 239 con).

- Để góp phần làm tươi máu đàn heo giống; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng con giống; giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giảm chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Hợp tác xã Tiên Phong đã nhập 1.273 con heo giống có nguồn gốc từ Mỹ, Canada, Nhật, Bỉ, Pháp, Anh, Đan Mạch, Đài Loan và 2.540 liều tinh heo giống từ Mỹ, Canada.

3. Quản lý thức ăn chăn nuôi:

- Từ năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, về cơ bản, thành phố đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi qua việc lấy mẫu giám sát sử dụng chất cấm hàng năm.

- Theo thống kê từ Cục Chăn nuôi, thành phố có 110 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Trong năm 2018, Chi cục đã triển khai kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng và kiểm tra chất lượng hàng hóa, chất cấm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với 46 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, 39% cơ sở không hoạt động, do ảnh hưởng của tình hình chăn nuôi. Kết quả kiểm tra, đánh giá 16/46 cơ sở sản xuất có hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố như sau: có 04 cơ sở xếp loại A (chiếm tỷ lệ 25%), 11 cơ sở xếp loại B (chiếm tỷ lệ 68.75%) và 01 cơ sở xếp loại C (chiếm tỷ lệ 6.25%).

4. Phòng chống dịch bệnh:

- Thực hiện chương trình giám sát dịch tễ và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tổ chức tiêm phòng các bệnh bắt buộc (Lở mồm long móng, tai xanh) 02 đợt/năm và bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi; kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng long mồm lở móng gia súc làm cơ sở để khuyến cáo loại thải cá thể mang trùng và đánh giá việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố. Đến nay, thành phố đã xây dựng và duy trì được 09 xã gồm Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Nhuận Đức, Thị trấn Củ Chi, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Trung Lập Hạ - Củ Chi và Xuân Thới Thượng - Hóc Môn an toàn dịch đối với bệnh long mồm lở móng và 33 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch.

- Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động vật các cấp; thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống dịch bệnh động vật của Thành phố, nhằm giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh gồm 85 nhân viên thú y cấp xã, kịp thời phát hiện, xử lý khi có phát sinh dịch bệnh trên động vật. Triển khai định vị tọa độ hộ chăn nuôi; cấp sổ quản lý tình hình chăn nuôi và dịch tễ đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra tình hình dịch tễ, tiêm phòng, cập nhật biến động đàn, từ đó quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn động vật và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông. Tăng cường công tác tiêu độc sát trùng trên các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông; xử lý các phương tiện vận chuyển gia súc để rơi vãi chất thải gia súc trong quá trình vận chuyển. Tổ chức ký kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường thành phố.

- Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu Phi, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã đặc biệt quan tâm và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn thành phố. Cấp thành phố và quận huyện đã thành lập 18 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các cửa ngõ và các tuyến đường liên tỉnh trên địa bàn thành phố để kiểm tra tình hình vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập về thành phố giết mổ và tiêu thụ.

5. Kiểm soát cơ sở giết mổ:

- Trên địa bàn thành phố có 12 cơ sở giết mổ heo, trong đó có 03 Nhà máy giết mổ công nghiệp (Vissan, Xuân Thới Thượng, Tân Thạnh Tây), đồng thời tồn tại các cơ sở giết mổ thủ công, với phương thức giết mổ treo được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, bao gồm Trung tâm Bình Tân (Bình Tân), Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Thị trấn Nhà Bè, Phước Kiển (Nhà Bè), Trung Tuyến (Cần Giờ), với công suất bình quân hàng đêm trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 - 7.000 con heo.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai kiểm soát chặt chẽ quy trình giết mổ, điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện việc đánh giá các cơ sở giết mổ theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Kết quả kiểm tra năm 2018 cho thấy, có 09 cơ sở giết mổ heo xếp loại B và 01 cơ sở giết mổ gia súc xếp loại A (Công ty VISSAN) theo quy định của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Về khuyến nông:

6.1. Thông tin tuyên truyền:

- Cấp phát hơn 10.000 tờ bướm mỗi loại tuyên truyền phòng chống bệnh long mồm lở móng, bệnh tai xanh (PRRS); 4.000 tờ bướm tuyên truyền, hướng dẫn về tiêu độc khử trùng 1.000 tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo nhằm hướng dẫn cho bà con chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố học tập và áp dụng. Riêng năm 2019 cấp phát thêm 20.000 tờ bướm, 500 tờ poster tuyên truyền phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

- Phát thanh tuyên truyền phòng chống long mồm lở móng, bệnh tai xanh, bệnh dịch tả heo Châu Phi trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố khoảng 12 lượt mỗi năm và trên Đài phát thanh các quận-huyện.

- Thực hiện các chương trình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, giới thiệu các mô hình hiệu quả trong chăn nuôi trên Đài tiếng nói nhân dân thành phố mỗi tuần 02 lần vào các ngày thứ năm và thứ bảy hàng tuần.

- Thực hiện 04 kỳ tuyên truyền trên sóng truyền hình HTV về sản xuất và tiêu thụ thịt heo đạt chuẩn VietGAHP; 06 kỳ tuyên truyền trên báo về phát triển bền vững chăn nuôi heo.

- Hàng năm, tổ chức 63 lớp, tuyên truyền, giới thiệu, giải đáp các thắc mắc liên quan đến Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, với tổng 3.980 lượt người tham dự.

6.2. Tập huấn, tham quan, hội thảo và đào tạo nguồn nhân lực:

- Tổ chức 57 lớp tập huấn về “Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học”, “Chăn nuôi heo theo quy trình VietGAHP” cho khoảng 1.710 lượt nông dân tại địa bàn các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức tham dự.

- Tổ chức 04 lớp huấn luyện đào tạo cho gần 100 khuyến nông viên, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông - VAC thuộc các địa bàn quận 9, 12, Thủ Đức; các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh; 104 lớp với 5.507 người tham dự tập huấn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên heo.

- Tổ chức 15 cuộc hội thảo với gần 750 nông dân tham dự về định hướng phát triển trong chăn nuôi heo theo quy trình VietGAHP, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi heo, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo”, chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường ứng phó biến đổi khí hậu,...

- Tổ chức 23 chuyến tham quan đưa khoảng 690 lượt nông dân thuộc địa bàn Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn,... tham quan mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học.

6.3. Về trình diễn, chuyển giao mô hình khuyến nông:

- Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 39 mô hình “Chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học”, hỗ trợ tổng cộng 1.170 con heo thịt lai 3 máu, trọng lượng 20kg/con cho 117 hộ tham gia mô hình thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.

- Mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học đã sử dụng men Balasa No.1 và chế phẩm BIMIX của Trung tâm Công nghệ Sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường được nông dân đánh giá cao. Ngoài ưu điểm giảm thiêu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, mô hình còn giúp tiết kiệm điện, nước, công lao động và có khả năng nhân rộng trong dân.

7. Tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại:

7.1. Về tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác:

Thành phố hiện có 01 Hợp tác xã chăn nuôi heo (Hợp tác xã Tiên Phong với có 32 hộ thành viên tham gia) và 12 Tổ hợp tác chăn nuôi heo, với 127 tổ viên (Củ Chi: 7 tổ hợp tác với 76 tổ viên, Hóc Môn: 01 tổ hợp tác với 6 tổ viên; Nhà Bè: 02 tổ hợp tác với 38 tổ viên; Cần Giờ: 01 tổ hợp tác với 04 tổ viên; Quận 9: 01 tổ hợp tác với 03 tổ viên).

7.2. Về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường:

- Hỗ trợ thiết kế Website, logo, bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế tờ gấp, in ấn phẩm quảng bá cho các đơn vị chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố như Công ty TNHH Heo An Hạ, Trang trại Chăn nuôi heo Trí Trần, Công ty CP Greenbio, Công ty Cổ phần Heo và sức khỏe.

- Hỗ trợ Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong xây dựng thương hiệu O’Heo.

- Tổ chức các buổi giao lưu gắn kết các đơn vị sản xuất kinh doanh, các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức các Chợ phiên nông sản an toàn tại các quận-huyện với sự tham gia của các đơn vị bán thịt heo an toàn đạt chuẩn VietGAHP như Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, Công ty Cổ phần Heo và Sức khỏe và Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong.

- Tổ chức Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm/lần.

- Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn tham gia Hội chợ tôn vinh hàng Việt, các Chương trình kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp thành phố và các tỉnh.

8. Về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư:

- Từ năm 2015 đến nay, đã có 761 lượt doanh nghiệp, hộ chăn nuôi heo (gọi chung là hộ) vay vốn được hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư là 775.408 triệu đồng, vốn vay là 445.888 triệu đồng, bình quân 01 hộ có mức đầu tư là 1.018 triệu đồng và mức vay là 586 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố đã thật sự thu hút nhiều hộ chăn nuôi đầu tư vào chăn nuôi heo, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi quận huyện, góp phần tăng trưởng tín dụng tại các quận, huyện ngoại thành, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.

- Ban Quản lý Dự án Lifsap đã hỗ trợ 644 hầm Biogas cho các hộ chăn nuôi (huyện Củ Chi: 616 hầm, Hóc Môn: 28 hầm), với tổng tiền hỗ trợ là 2.731.046.000 đồng; hình thành 02 vùng chăn nuôi VietGAHP tại huyện Hóc Môn và Củ Chi, với 848 hộ tham gia, trong đó có 744 hộ và 10 trại đã được chứng nhận VietGAHP với tổng đàn 48.459 con, hàng năm có khả năng cung ứng ra thị trường bình quân khoảng 168.000 con heo thịt/năm, với sản lượng khoảng 15.120 tấn thịt heo. Tính lũy tiến đến nay, tổng đàn heo đạt chứng nhận VietGAHP trên địa bàn thành phố là 134.330 con (chiếm tỷ lệ khoảng 46% tổng đàn heo của thành phố); xây dựng xây dựng 27 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.

II. NHẬN XÉT - ĐÁNH GIÁ

1. Những mặt làm được:

- Thành phố Hồ Chí Minh có quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố, Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo nhằm tạo sự chuyển biến trong định hướng sản xuất và điều kiện để người chăn nuôi có cơ sở đầu tư sản xuất ổn định.

- Chất lượng con giống và kỹ thuật chăn nuôi đã được cải thiện một phần, giúp cải thiện các tính trạng về sinh sản, sinh trưởng. Đàn heo nái của thành phố hầu hết là giống ngoại thuần hoặc lai 2 máu; Công tác quản lý, kiểm định giống vật nuôi được cải thiện; tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp đánh giá di truyền giống bằng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction), việc nhập thêm đàn giống có năng suất cao, giúp từng bước cải thiện chất lượng đàn heo giống và công tác quản lý giống tốt hơn của thành phố.

- Theo thống kê giai đoạn 2015-2019 tổng số hộ chăn nuôi heo giảm, quy mô bình quân tăng/hộ (quy mô đàn nái tăng/hộ và quy mô đàn heo thịt tăng/hộ).

- Bước đầu tổ chức tốt công tác quản lý đàn heo từ hộ chăn nuôi đến các cơ quan quản lý nhà nước. Công tác kiểm soát giết mổ, công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống biogas...thành phố luôn quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, giúp ổn định tình hình dịch tễ trên địa bàn, làm tiền đề thực hiện chuỗi an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho các cơ sở chăn nuôi heo cung cấp sản phẩm an toàn.

- Thông tin, tuyên truyền, tập huấn, tham quan, hội thảo về phòng, chống dịch và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP có hiệu quả.

- Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ, chuyển giao các mô hình trình diễn khuyến nông góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi.

- Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm heo trên địa bàn thành phố theo chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp con giống chất lượng tốt - thức ăn - chăn nuôi - tiêu thụ - giết mổ - chế biến và phân phối đã giúp kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo đầu ra, khuyến khích tăng đàn đối với các trang trại tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGHAP, truy xuất được nguồn gốc, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn bền vững.

- Chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố đã thật sự thu hút nhiều hộ, doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi heo, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

2. Những khó khăn và tồn tại

- Phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi còn nhiều nên việc áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học còn gặp khó khăn.

- Chất lượng heo giống trên địa bàn thành phố trong thời gian qua được cải thiện nhiều bước tiến đáng kể nhưng số lượng, quy mô chưa đủ để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi thành phố và các tỉnh thành khu vực.

- Chi phí sản xuất chăn nuôi heo còn cao và làm tăng giá thành sản phẩm, an toàn thực phẩm được đảm bảo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

- Dịch bệnh từ các tỉnh thành lân cận và trong cả nước, nhất là dịch dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu, luôn tạo áp lực cho thành phố trong kiểm dịch vận chuyển động vật và kiểm soát sản phẩm động vật nhập vào thành phố, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến kiểm soát an toàn dịch bệnh cho các trại chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố.

- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần tập trung đẩy mạnh chuyển dịch tốt hơn nữa.

- Kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, khuyến nông bước đầu có kết quả tốt, nhưng chưa phổ biến và việc ứng dụng, chuyển giao trong hộ dân cần tập trung nhiều hơn.

- Công tác truyền thông, tập huấn kỹ thuật, khoa học công nghệ trong thời gian qua được tập trung triển khai có kết quả khá tốt; Tuy nhiên trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

- Tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) đã hình thành được chuỗi sản xuất liên kết nhưng còn ít, chưa phổ biến.

- Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian, người chăn nuôi còn bị thương lái ép giá.

- Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, đó là lý do khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững.

- Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020), trong đó yêu cầu nước thải trong chăn nuôi ra môi trường phải đạt chuẩn loại A, quy định này tốn kém nhiều chi phí và rất khó thực hiện.

3. Về dự báo ngành chăn nuôi của thành phố trong thời gian tới:

3.1. Ảnh hưởng của ngành chăn nuôi thành phố khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế:

Khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu nền kinh tế thế giới, ngành chăn nuôi heo sẽ tiếp cận nhanh hơn về khoa học và công nghệ mới, giống vật nuôi, các sản phẩm mới, các hình thức sản xuất tiên tiến. Ngoài những nguồn lợi từ tham gia hội nhập, vấn đề quan trọng trong hầu hết các hiệp định mà Việt Nam ký kết là mở cửa thị trường hàng hóa thông qua thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Ngành chăn nuôi thành phố sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi, khó khăn và thách thức như sau:

- Về lợi thế và cơ hội khi tham gia hội nhập:

+ Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong thị trường nội địa và sẽ làm giảm mạnh các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.

+ Hiện nay, giá thành chăn nuôi của thành phố còn cao do phần lớn vẫn là chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, năng suất con giống thấp, giá thức ăn chăn nuôi cao do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành chăn nuôi của thành phố có cơ hội nhập khẩu con giống có chất lượng tốt, tiếp cận được khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến hiện đại từ các nước...để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

+ Thay đổi tư duy, đổi mới phương thức sản xuất để tham gia hội nhập theo hướng liên kết chuỗi sản xuất để giảm chi phí đầu vào, ổn định sản xuất và gia tăng hiệu quả, nhất là khi được hưởng lợi từ thuế quan nhập khẩu.

+ Thành phố có cơ hội thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong chăn nuôi từ các nước tham gia hiệp định.

+ Tham gia các hiệp định thương mại nhất là CPTPP, EVFTA là cơ hội để nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

- Về khó khăn, thách thức khi tham gia hội nhập:

+ Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, thường chịu rủi ro về dịch bệnh, ít chủ động phòng chống dịch bệnh và hiệu quả kinh tế thấp.

+ Chăn nuôi trang trại quy mô và mức đầu tư còn khiêm tốn, tỷ lệ đầu tư công nghệ còn thấp, tỷ lệ chăn nuôi theo quy trình đảm bảo an toàn sinh học, quy trình VietGAHP chưa nhiều. Doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi còn ít, vốn đầu tư chưa cao.

+ Chi phí đầu vào cao, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi chăn nuôi chưa nhiều, còn nhiều khâu trung gian...làm giá thành sản phẩm chăn nuôi cao dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.

+ Chăn nuôi là ngành phải đối mặt nhiều thách thức và bị ảnh hưởng nhiều từ các nước thành viên do sức cạnh tranh chưa đủ mạnh, nhất là đối với các sản phẩm chăn nuôi, do giá thành sản phẩm vẫn còn cao, chất lượng sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, các nước thành viên cũng quy định khắt khe về vùng an toàn dịch bệnh, có hàng rào kỹ thuật yêu cầu tương đối cao đối với sản phẩm chăn nuôi.

Phần II

ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2020-2025

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết

Hiện nay, ngành chăn nuôi heo của thành phố đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, do tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra tại các tỉnh thành trên cả nước và tại bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chủ yếu có một số khó khăn ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi heo và cuộc sống của người dân như sau:

- Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát, không khai báo với chính quyền địa phương không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của thành phố, vẫn còn tình trạng sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, vệ sinh thú ý, môi trường...Từ đó, không thuận lợi cho việc kiểm soát dịch tễ, đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi, xử lý nước thải, chất thải; chi phí lao động tăng cao, năng suất thấp, giá thành sản phẩm tăng, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức sản xuất, gắn kết với đầu mối tiêu thụ và tính bền vững trong phát triển (chuỗi giá trị chăn nuôi).

- Bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh mà chủ yếu phải áp dụng đầy đủ và nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học. Đây là bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao; dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài.

- Tham gia các Hiệp định CPTPP, FTA các doanh nghiệp, trang trại và kể cả hộ chăn nuôi đều phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chuỗi liên kết sản xuất để tham gia hội nhập.

Do đó, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo của đàn heo thành phố một cách hợp lý, mạnh mẽ trong thời gian tới, nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo của thành phố, góp phần duy trì và phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo của thành phố là là việc làm cấp thiết, phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tái cơ cấu ngành có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng trong ngành.

2. Cơ sở pháp lý:

- Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018;

- Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

- Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch động vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

- Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc Hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

- Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020;

- Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình “Ứng dụng và Phát triển Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt “Quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 5702/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành “Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông, lâm và thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”;

- Căn cứ Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành “Chương trình phát triển sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020”;

- Căn cứ Quyết định số 6150/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt “Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Chương trình đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thành phố giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020;

- Căn cứ Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thành phố;

- Căn cứ Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

- Căn cứ Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp;

- Căn cứ Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kế hoạch Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Phát triển chăn nuôi theo hướng giảm tỷ lệ đàn heo thịt, tăng tỷ lệ đàn heo giống, hướng đến hình thành nhiều trại giống hạt nhân để cung cấp con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh; tiếp tục duy trì thành phố là trung tâm cung cấp con giống cho cả nước.

- Chuyển chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn hơn, công nghiệp có kiểm soát; ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Trong trường hợp nông hộ chăn nuôi nhỏ không đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn sinh học chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

- Chuyển dịch liên kết trong sản xuất và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng, gắn với các mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác), phát triển tổ chức sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nhằm giảm khâu trung gian, giảm chi phí giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến cuối năm 2021:

+ Giảm nhanh các hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, nhất là các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa. Ổn định đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm 16% tổng đàn chủ yếu tập trung chăn nuôi tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Riêng Quận 2, Quận 7, Quận 9 và Quận Bình Tân không còn chăn nuôi heo.

+ Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 75 - 100 con/hộ; tỷ lệ hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP đạt trên 60 - 80%; phấn đấu 90 - 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bao gồm: thực hiện lập hồ sơ pháp lý về môi trường trước khi đầu tư xây dựng, trong quá trình hoạt động thực hiện việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh như xây dựng hầm biogas...

+ Cơ bản hình thành hệ thống tháp giống toàn thành phố, với đàn giống cụ kỵ (GGP) 1.673 con (chiếm 4,4% tổng đàn nái sinh sản). Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giống (BLUP, GenBLUP). Trên 50% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn thành phố được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành.

+ Hoàn thiện bản đồ số hóa quản lý đàn heo và dịch bệnh trên địa bàn thành phố; thống nhất hệ thống quản lý giống heo từ cơ sở sản xuất giống đến cơ quan quản lý nhà nước.

+ Duy trì 08 xã thuộc huyện Củ Chi và 01 xã thuộc huyện Hóc Môn an toàn an toàn với bệnh Lở mồm long móng trên heo.

+ Phấn đấu trên 10% hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.

- Đến cuối năm 2025:

+ Duy trì tổng đàn heo là 200.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm khoảng 20% tổng đàn, tổng đàn giống cụ kỵ (GGP) đạt 2.750 con (chiếm 5% tổng đàn nái sinh sản) trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè; các quận còn lại không còn chăn nuôi heo.

+ Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 200 con/hộ; tỷ lệ hộ chăn nuôi heo được chứng nhận VietGAHP đạt trên 90 - 95%, phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bao gồm: thực hiện lập hồ sơ pháp lý về môi trường trước khi đầu tư xây dựng, trong quá trình hoạt động thực hiện việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh như xây dựng hầm biogas...

+ Cải tiến nâng cao chất lượng con giống, phấn đấu các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (tỷ lệ lứa đẻ/nái/năm, tỷ lệ heo thịt/nái/năm, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn...) cải thiện từ 5 - 10% so với giai đoạn năm 2015 -2019.

+ Phấn đấu 100% các cơ sở giống được quản lý dữ liệu; trên 90% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn thành phố được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành, 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chứng nhận con giống thuần.

+ 100% các hộ chăn nuôi tập trung theo phương thức chăn nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao đồng bộ, đảm bảo an toàn sinh học, quy trình VietGAHP trở lên.

+ Phấn đấu mở rộng vùng, cơ sở an toàn với bệnh Lở mồm long móng trên heo trên địa bàn thành phố.

+ Phấn đấu trên 20% hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.

III. CÁC NỘI DUNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Bố trí phân vùng chăn nuôi:

- Tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi heo tại các huyện ngoại thành (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ). Đến cuối năm 2021, Quận 2, Quận 7, Quận 9 và Quận Bình Tân không còn chăn nuôi heo. Riêng các quận còn lại (Quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 12) đến năm 2025 không còn chăn nuôi heo.

- Tập trung phát triển vùng chăn nuôi quy mô trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đầu tư trong xử lý chất thải và hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

- Cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách ly an toàn theo Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch động vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

2. Phương thức chăn nuôi và tổ chức sản xuất:

2.1. Phương thức chăn nuôi:

- Chăn nuôi heo theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Không tận dụng thức ăn thừa, thức ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chăn nuôi heo.

- Khuyến khích đầu tư trang trại chăn nuôi kín, chuồng sàn, tự động hoá các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng (máng ăn, máng uống, điều chỉnh nhiệt độ chuồng...), ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo. Tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.

- Khuyến khích chuyên môn hóa chăn nuôi riêng biệt con giống hoặc thương phẩm, áp dụng phương thức cùng vào, cùng ra.

2.2. Tổ chức sản xuất:

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo thành phố theo hướng tập trung sản xuất con giống chất lượng cao, tổ chức sản xuất liên kết chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

- Đối với đàn giống: Xây dựng đàn heo giống có năng suất cao, chất lượng tốt, cung cấp nguồn heo giống cho thị trường thành phố và các tỉnh.

+ Đầu tư xây dựng tháp giống theo mô hình hình tháp 4 cấp gồm đàn GGP, GP, PS và con thương phẩm; nhập con giống, tinh có tiềm năng di truyền cao, tiên tiến của các nước có ngành chăn nuôi heo phát triển như Đan Mạch, Mỹ, Canada, Đài Loan,...nhanh chóng cải tạo nguồn gen có chất lượng tốt trong chăn nuôi heo góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

- Đối với đàn heo thương phẩm:

+ Phát triển hệ thống vệ tinh, liên kết, sản xuất, gia công.

+ Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, liên kết giữa con giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ - xây dựng thương hiệu gắn với việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã,....

+ Lựa chọn hình thức liên kết phù hợp và hiệu quả; tổ chức ký kết và đẩy mạnh các hình thức liên kết, nhất là hợp tác với các tỉnh. Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác đầu tư, phát triển chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh, cung cấp nguồn thực phẩm cho thành phố.

- Nâng cao năng lực hoạt động của các hộ chăn nuôi, các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng liên kết khép kín chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới về chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý trong chăn nuôi; hỗ trợ các hộ chăn nuôi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tiếp cận thị trường; cung cấp dịch vụ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, chăn nuôi theo công nghệ cao,...Đối với các trang trại công nghiệp cần áp dụng công nghệ tự động hoá từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất.

- Hỗ trợ và khuyến khích người chăn nuôi thành phố sử dụng heo giống bố mẹ từ các trang trại, xí nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố có tham gia Chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng trong nông nghiệp.

- Tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống heo theo các phương pháp tiên tiến (BLUP và GEN BLUP).

3. Kỹ thuật, khoa học công nghệ và cải thiện chất lượng đàn giống:

- Xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để đảm bảo phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ, áp dụng các quy trình tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất như lĩnh vực con giống, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y…, tạo sản phẩm có năng suất cao, hạ giá thành, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Chuẩn hoá các cơ sở sản xuất heo giống theo đúng điều kiện sản xuất và mua bán giống theo quy định của Luật Chăn nuôi. Con giống được đánh giá chất lượng giống theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9111: 2011 Lợn giống ngoại -Yêu cầu kỹ thuật.

- Ứng dụng nhanh công nghệ chọn tạo giống tiên tiến của thế giới bằng phương pháp BLUP và GEN BLUP, trong đó mở rộng ứng dụng phương pháp BLUP để xây dựng hệ thống đánh giá di truyền cho các trại giống heo thuần trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ đó xây dựng hệ thống giống theo mô hình một tháp giống 4 cấp chung cho toàn thành phố, bao gồm cả trang trại vệ tinh, nhằm đánh giá di truyền thông qua chỉ số EBV kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học về GEN trong chọn lọc để cải thiện nhanh chất lượng đàn giống heo của thành phố, tổ chức liên kết trao đổi, khai thác nguồn gen tốt giữa các trại giống.

- Đẩy mạnh công tác giống trong lai tạo thông qua việc nhập tinh, con giống có năng suất, chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Trên cơ sở đánh giá khả năng thích nghi, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (công nghệ gen) để đánh giá tính trạng di truyền, chọn lọc cá thể có tính trạng tốt làm giống cụ kỵ, ông bà..., nhằm cải thiện nhanh tiến bộ di truyền, nâng cao chất lượng đàn giống của thành phố.

- Quản lý đàn heo giống bằng công nghệ thông tin (phần mềm thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

4. Thức ăn chăn nuôi heo:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng thức ăn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; các cơ sở, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung kiểm soát chất lượng đúng như công bố; các chỉ tiêu đạm giả, kim loại nặng, kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi...theo quy định; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm, nhằm đảm bảo chất lượng lượng thịt heo trước khi tiêu thụ trên thị trường.

- Gắn kết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại quy mô công nghiệp, nhằm cung cấp trực tiếp sản phẩm, giảm chi phí trung gian và đảm bảo chất lượng thức ăn theo yêu cầu sản xuất.

- Sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho hệ thống chăn nuôi nội bộ, hệ thống vệ tinh và mạng lưới gia công.

5. Phòng, chống dịch bệnh:

- Nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở và hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh, đảm bảo quản lý và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo và diễn biến xuất nhập đàn tại nông hộ.

- Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi heo; duy trì kiểm tra, định kỳ giám sát tình hình dịch tễ; kiểm soát việc nhập, xuất đàn heo tại nông hộ.

- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi heo, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi heo mẫu về an toàn sinh học; xác định các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, để vận động chuyển đổi hoặc ngưng chăn nuôi nếu không đủ điều kiện áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học.

- Chủ động khống chế dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả heo Châu Phi và các bệnh mới phát sinh và hình thành một số vùng an toàn dịch bệnh. Duy trì tỷ lệ tiêm phòng các bệnh long mồm lở móng, heo tai xanh hàng năm đạt yêu cầu kỹ thuật và duy trì tỷ lệ tiêm phòng đạt > 80% tổng đàn kiểm tra.

- Tiếp tục giám sát các bệnh truyền nhiễm có mối nguy cao như bệnh long mồm lở móng, heo tai xanh, dịch tả heo cổ điển, dịch tả heo Châu Phi; giám sát các bệnh theo Chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; tiếp tục tầm soát một số bệnh mới PED, PCV2, bệnh lưỡi xanh, ... để phòng ngừa từ xa. Duy trì các xã đã được Cục Thú y công nhận an toàn với bệnh lở mồm long móng trên heo và phấn đấu mở rộng vùng, cơ sở an toàn với bệnh Lở mồm long móng trên heo trên địa bàn thành phố.

6. Kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm:

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ hiện hữu về điều kiện đảm bảo an toàn về dịch bệnh và an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xử lý môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ địa bàn, không để tồn tại tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công gia súc trái phép trên địa bàn.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng chất lượng thịt nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đảm bảo theo QCVN 01-150:2017/BNNPTNT về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ tập trung và ngưng hoạt động các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thủ công.

7. Khuyến nông:

7.1. Về truyền thông, tập huấn, đào tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo và tham quan học tập mô hình:

- Tăng cường tập huấn, hội thảo, đào tạo hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo hướng quy trình VietGAHP.

- Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa, nguồn nước trên kênh rạch để nuôi heo (tắm heo, rửa chuồng, cho heo uống,...); áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành kỹ thuật; tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, chú trọng đào tạo đội ngũ tại các cơ sở trang trại sản xuất giống, chăn nuôi heo và tại các trường trung cấp,....liên quan về nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho nông hộ.

- Ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, trang trại, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, khu vực lưu thông, vận chuyển, tại các cửa ngõ heo các tỉnh nhập vào thành phố tiêu thụ.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên sâu cho người chăn nuôi về các biện pháp quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại hóa trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và xử lý môi trường.

- Tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi về những ảnh hưởng của ngành chăn nuôi khi tham gia vào các hiệp định quốc tế, nhằm giúp người dân hiểu biết và thực hiện theo đúng quy định.

- Tổ chức hội nghị tư vấn, vận động duy trì, phát triển, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi heo.

- Tổ chức khảo sát, học tập các mô hình hợp tác xã điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh tại các tỉnh, thành.

- Thực hiện các phóng sự phát sóng truyền hình về vai trò của hợp tác xã trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngành chăn nuôi heo.

7.2. Về trình diễn, chuyển giao các mô hình, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp:

- Lựa chọn các mô hình chăn nuôi heo có hiệu quả, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của các mô hình, từ đó đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình chăn nuôi heo có hiệu quả.

- Tập trung công tác chuyển dịch nhanh đối với các mô hình chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa, không đảm bảo an toàn sinh học, không đảm bảo môi trường có nguy cơ rủi ro cao, kém hiệu quả, khuyến khích chuyển sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác như thủy sản (mô hình nuôi cá cảnh, nuôi lươn, cá trê, cá lóc, cá diêu hồng...), trồng trọt (trồng lan, rau, nấm,...), chăn nuôi (bò thịt, dê...) hoặc chuyển đổi sang các ngành khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế hộ gia đình và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.

- Xây dựng các mô hình chuồng trại chăn nuôi heo chuẩn về an toàn sinh học và bảo vệ môi trường để chuyển giao, nhân rộng.

8. Xúc tiến thương mại:

- Phối hợp với các doanh nghiệp để kết nối thu mua, chế biến, sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, trang thiết bị chăn nuôi đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý cho người chăn nuôi, góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng thành phố.

- Tổ chức hình thức phiên chợ con giống chào hàng, đấu xảo, đấu giá trên trang thông tin điện tử (website).

- Tổ chức Hội chợ giống hàng năm nhằm giới thiệu con giống có gia phả, lý lịch rõ ràng và năng suất, chất lượng cao cho người chăn nuôi; trong đó tổ chức đoàn công tác đi tham quan, học tập Hội chợ giống do các nước có nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới tổ chức.

- Tổ chức đấu giá sản phẩm tại các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối nông sản.

- Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, ngành hàng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

9. Cơ chế, chính sách:

- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành hỗ trợ chuyển dịch sản xuất, phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực,...đã được Chính phủ, Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách di dời các hộ/cơ sở chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2020 - 2025 cho các hộ chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề như tổ chức đào tạo, tập huấn, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ lãi suất cho vay...

- Tham mưu, đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản theo hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là gắn kết chăn nuôi heo trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn và phát triển nông nghiệp bền vững.

10. Hợp tác trong nước và quốc tế:

- Thu hút đầu tư trong ngành chăn nuôi từ doanh nghiệp trong nước và từ doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi áp dụng công nghệ cao.

- Tăng cường trao đổi, tham quan, học tập, đào tạo về kỹ thuật, khoa học công nghệ về phát triển con giống, về quy trình công nghệ chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nước và các nước có nền chăn nuôi heo tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Đài Loan...

- Định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường mối quan hệ với các đối tác trong nước và nước ngoài trong đầu tư khoa học công nghệ để tăng giá trị sản phẩm cũng như liên kết sản xuất trong chăn nuôi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các quận-huyện có chăn nuôi heo:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở - ban ngành để xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn; một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Điều tra, khảo sát xác định số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn sinh học có nhu cầu chuyển đổi sang quy mô trang trại hay các mô hình sản xuất nông nghiệp khác hay phi nông nghiệp trên địa bàn; khảo sát nhu cầu các nông hộ chuyển đổi cần hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nghề để có định hướng phát triển phù hợp.

- Vận động khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học chuyển sang chăn nuôi heo quy mô trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao,..đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học hay chuyển đổi sang các ngành nghề nông nghiệp khác hoặc phi nông nghiệp có điều kiện phù hợp.

- Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, hội thảo,.... đào tạo kỹ thuật, khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh cho nông hộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi heo.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề như tổ chức đào tạo, tập huấn, hỗ trợ lãi suất cho vay...

- Vận động người dân chăn nuôi tích cực, tự nguyện tham gia mô hình kinh tế hợp tác trở thành thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất liên kết chuỗi, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi heo, sản xuất con giống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh,... trên địa bàn tham gia thực hiện theo Đề án này.

- Ngoài một số nhiệm vụ nêu trên, chủ động nghiên cứu đề xuất bổ sung nhiệm vụ, nội dung có liên quan đến các giải pháp chủ yếu, quy định tại Điều 64 Luật Chăn nuôi để triển khai thực hiện Đề án này có hiệu quả trên địa bàn quản lý.

- Cân đối ngân sách để tổ chức các nội dung được phân công theo Đề án.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với các Sở - ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 theo hướng cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo của thành phố theo hướng phát triển con giống chất lượng cao; tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung một số nội dung như sau:

+ Tiếp tục phối hợp các viện, trường,...nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ và nhập tinh, heo giống từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến cải thiện chất lượng con giống heo và chất lượng heo thịt; xây dựng đàn heo giống có năng suất cao, chất lượng tốt, cung cấp nguồn heo giống cho thị trường thành phố và các tỉnh.

+ Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các phương thức chăn nuôi và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị.

+ Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thức ăn, thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ.

+ Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Xây dựng các mô hình mẫu chăn nuôi heo an toàn sinh học; Kiểm tra và hướng dẫn các hộ chăn nuôi tái đàn khắc phục tốt các điều kiện an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và sản xuất theo hướng hữu cơ.

+ Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, hội thảo,...đào tạo kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi heo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cho người dân chăn nuôi.

+ Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ,...các hoạt động khuyến nông, nâng cao hoạt động mô hình kinh tế hợp tác hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác trong chăn nuôi heo.

+ Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thịt heo và nông, lâm, thủy sản nói trong và ngoài nước.

+ Tham mưu đề xuất nâng cao thể chế quản lý và cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi heo, gắn với thị trường tiêu thụ.

+ Tham mưu, đề xuất, triển khai các nội dung cần hợp tác trong và ngoài nước và ngoài các nhiệm vụ trên, cần chủ động đề xuất các nội dung khác có liên quan đến các giải pháp, quy định về chăn nuôi và thú y theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Đề án này.

- Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh khi cần thiết. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

- Hàng năm, đề xuất kinh phí tổ chức thực hiện các nội dung được phân công theo Đề án gửi về Sở Tài chính để được bố trí kinh phí thực hiện vào dự toán ngân sách hàng năm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan, cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện Đề án, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi trong từng thời kỳ, tiến độ đầu tư Đề án.

- Ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho đầu tư vào chăn nuôi heo, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

- Tham mưu chính sách kích cầu đầu tư trong chăn nuôi heo để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án.

4. Sở Tài chính:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Đề án, nhiệm vụ được giao, hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương gửi cơ quan tài chính cùng cấp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí dự toán kinh phí theo phân cấp ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, giải pháp và chính sách thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất chăn nuôi heo.

6. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch heo trên địa bàn thành phố để tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tự quyết về giá bán cho người chăn nuôi và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

+ Xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản thịt heo.

+ Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên sâu sản phẩm chăn nuôi, từng thị trường trọng điểm hoặc các vấn đề quan trọng khác phục vụ nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp và các đối tượng khác; tập huấn về kỹ năng, công cụ cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở chăn nuôi xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm thịt heo; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho trang trại, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, đơn vị tổ chức sàn giao dịch đấu giá heo thịt theo chất lượng.

- Theo dõi sát diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng thịt heo.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở - ngành, quận-huyện liên quan quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo đúng phân vùng quy hoạch chăn nuôi được phê duyệt.

- Tạo thuận lợi và hỗ trợ về thủ tục đất đai đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư chăn nuôi heo theo quy hoạch.

- Chủ trì phối hợp với sở ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi heo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp phạm bảo vệ môi trường theo quy định.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo, đài thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về phân vùng chăn nuôi heo theo Đề án, trong đó chú trọng tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi, tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình đạt năng suất và chất lượng gắn với công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm...

- Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo báo chí tuyên truyền kịp thời, chính xác và có hiệu quả về triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo phù hợp với thực tiễn các giai đoạn triển khai Đề án (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin).

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở - ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn.

10. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

- Công bố, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp các quy hoạch phát triển đô thị trong từng giai đoạn cụ thể để người dân, doanh nghiệp tham gia chăn nuôi heo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung an tâm đầu tư sản xuất.

- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất chăn nuôi heo, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

11. Sở Xây dựng:

Hướng dẫn, hỗ trợ, cấp phép cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các công trình phụ trợ (chuồng trại, kho chứa ) phục vụ sản xuất chăn nuôi, giết mổ,....công nghệ cao trên đất sản xuất nông nghiệp.

12. Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố đối với ngành chăn nuôi heo (nếu có), nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố phát triển sản xuất, kinh doanh.

13. Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư:

Phối hợp cùng các Sở - ban ngành thực hiện các chương trình hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường thịt heo nói riêng và nông, lâm, thủy sản nói chung trong và ngoài nước.

14. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện các chuỗi thịt heo an toàn thực phẩm, chứng nhận các sản phẩm an toàn theo đúng quy định.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

- Tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chứng nhận chuỗi sản phẩm thịt an toàn cung ứng ra thị trường.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông thịt heo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt heo, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

15. Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao:

- Nghiên cứu tính khả thi xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành chăn nuôi tại huyện Củ Chi.

- Chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất con giống, chăn nuôi heo theo công nghệ cao ngoài dân và tổ hợp tác, hợp tác xã , trang trại và doanh nghiệp khi có nhu cầu.

- Chuyển giao ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ quản lý chuồng trại thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường.

16. Hội nông dân thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội:

Chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp với sở ngành và chính quyền địa phương:

- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025.

- Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo số lượng, kỹ thuật, môi trường...chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao.

- Vận động người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm,...theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Vận động người dân chăn nuôi tích cực tham gia mô hình kinh tế hợp tác trở thành thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, tích cực tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao.

17. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia Đề án:

- Tham gia đầu tư, sản xuất con giống, chăn nuôi heo, giết mổ, sơ chế, chế biến,...thịt trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện các quy định của nhà nước và tham gia tập huấn, đào tạo, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

- Các doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm để ký kết hợp tác với hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã.... cung cấp vật tư, con giống, thức ăn đầu vào phục vụ chăn nuôi sau đó bao tiêu thu mua lại heo thương phẩm, giết mổ,... hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý ngành hàng thịt.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Các Sở - ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và tình hình thực tiễn tại địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và dự toán kinh phí gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện vào dự toán ngân sách hàng năm.

VI. HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế:

- Tổng giá trị triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố đến năm 2025 ước tăng so với năm 2021 như sau:

- Tổng đàn nái năm 2025 ước tăng 4% so với năm 2021, góp phần nâng cao chất lượng con giống heo phục vụ cho người dân chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác, giá trị đàn heo con giống năm 2021 ước khoảng 1.090,56 tỷ đồng và năm 2025 ước đạt khoảng 1.344 tỷ đồng (tăng 253,44 tỷ đồng so với năm 2021).

- Hàng năm cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh khoảng 1,2 - 1,6 triệu liều tinh.

- Tạo ra giá trị sản phẩm chất lượng, thương hiệu thịt heo cao của thành phố, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm thịt heo nhập khẩu khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Hiệu quả xã hội:

- Tạo ra con giống heo có chất lượng cao, năng suất tốt đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác.

- Nâng cao chất lượng thịt có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu trong thời kỳ tham gia hội nhập quốc tế.

- Nâng cao thu nhập cho người tham gia chăn nuôi heo, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự, xã hội.

- Chuyển đổi phương thức chăn nuôi heo nhỏ lẻ có nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường không hiệu quả sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, quy mô công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, gắn với giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

- Khai thác nguồn năng lượng từ biogas phục vụ cho sinh hoạt và cho sản xuất.

 

PHỤ LỤC 1:

CƠ CẤU ĐÀN HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2015 ĐẾN 2019

Năm thống kê

Tổng đàn

Số hộ

Đực làm việc

Heo cai sữa

Hậu bị cái

Hậu bị đực

Heo thịt

Nái SS Khô

Nái SS Mang Thai

Nái SS nuôi con

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

Tổng đàn

Số hộ

01/10/2015

362.203

7.668

854

183

96.777

3.238

8.617

1.200

1.884

35

203.056

5.434

5.029

1.859

39.220

5.874

6.766

2.235

01/10/2016

363.176

7.553

949

196

95.255

3.016

10.087

1.281

1.922

35

200.891

5.295

4.894

1.786

42.300

5.893

6.878

2.149

01/10/2017

343.388

6.218

857

175

91.198

2.492

9.235

656

1.869

34

193.493

4.511

4.910

1.558

36.303

4.748

5.523

1.644

01/10/2018

240.762

4.288

641

153

70.022

1.650

5.667

403

385

33

131.909

2.982

3.139

982

25.175

3.226

3.824

1.040

01/04/2019

242.319

3.995

656

160

64.119

1.529

7.311

629

381

35

135.602

2.765

2.948

921

26.980

3.077

4.322

1.017

 

PHỤ LỤC 2:

QUY MÔ CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2015 ĐẾN 2019

Năm thống kê

TỔNG CỘNG

1-9

10-19

20-49

50-99

100-149

150-249

250-499

>=500

Tổng đàn

Số hộ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

SỐ CON

SỐ HỘ

01/10/2015

362.203

7.668

7.854

1.829

23.118

1.687

72.434

2.328

88.231

1.276

31.685

258

34.028

184

20.334

61

84.519

45

01/10/2016

363.176

7.553

7.587

1.753

23.794

1.734

71.969

2.308

82.020

1.174

34.655

282

34.643

184

22.518

69

85.990

49

01/10/2017

343.388

6.215

5.839

1.305

18.967

1.375

60.747

1.945

72.584

1.048

31.157

259

32.064

173

23.413

69

98.617

41

01/10/2018

240.762

4.605

4.218

1.067

13.180

970

37.159

1.209

47.723

682

20.677

171

21.055

113

12.060

35

84.690

40

01/04/2019

242.319

3.994

3.761

941

12.455

913

33.205

1.087

50.231

717

19.054

159

17.483

96

13.587

41

92.543

40