Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CÁC QUY TẮC HÀNH ĐỘNG CỦA CÁN BỘ THI HÀNH PHÁP LUẬT, 1979

(Được thông qua bởi Nghị quyết số 34/169 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 17/12/1979).

Điều 1.

Các cán bộ thi hành pháp luật phải luôn luôn hoàn thành nhịêm vụ được pháp luật quy định bằng cách phục vụ cộng đồng và bảo vệ tất cả mọi người chống lại những hành vi bất hợp pháp, theo đúng mức độ trách nhiệm cao mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi.

Diễn giải

1. Thuật ngữ “các cán bộ thi hành pháp luật” gồm tất cả những cán bộ pháp luật được bổ nhiệm hay được bầu, thực hiện quyền lực cảnh sát, đặc biệt là các quyền bắt hay giam giữ;

2. Ở những quốc gia mà quyền lực cảnh sát được thực hiện bởi quân nhân, dù mặc quân phục hay không, hoặc bởi các lực lượng an ninh quốc gia, định nghĩa “các cán bộ thi hành pháp luật” phải được coi là gồm tất cả những cán bộ đó;

3. Sự phục vụ cộng đồng bao gồm đặc biệt là việc thực hiện các dịch vụ trợ giúp các thành viên của cộng đồng, những người mà vì lý do cá nhân, kinh tế, xã hội hay những trường hợp cấp thiết khác cần sự trợ giúp ngay lập tức.

4. Điều khoản này không chỉ áp dụng cho tất cả các hành động gây hại, cướp bóc và bạo lực mà còn mở rộng đến những điều cấm theo các quy định hình sự. Nó còn mở rộng đến hành vi của những người không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 2.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các cán bộ thi hành pháp luật phải tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm và duy trì, nêu cao quyền con người của tất cả mọi người.

Diễn giải

1. Các quyền con người nói ở đây được pháp luật quốc gia và quốc tế công nhận và bảo vệ. Trong số những văn kiện quốc tế liên quan có Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về trấn áp và trừng trị tội ác A-pác-thai, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự.

2. Những dẫn giải của quốc gia đối với điều khoản này phải nêu rõ các quy định quốc gia hoặc khu vực đã công nhận và bảo vệ những quyền này.

Điều 3.

Các cán bộ thi hành pháp luật có thể sử dụng vũ lực chỉ khi thật cần thiết và trong phạm vi đòi hỏi nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Diễn giải

1. Điều khoản này nhấn mạnh rằng các cán bộ thi hành pháp luật chỉ sử dụng vũ lực trong những trường hợp ngoại lệ. Mặc dù điều khoản này hàm ý rằng các cán bộ thi hành pháp luật có thể được phép sử dụng vũ lực khi thật cần thiết trong những trường hợp để ngăn ngừa tội phạm, bắt giữ hoặc hỗ trợ việc bắt giữ theo đúng pháp luật người phạm tội hoặc nghi phạm, nhưng không được dùng vũ lực vượt quá phạm vi cần thiết;

2. Luật pháp quốc gia thường hạn chế việc sử dụng vũ lực của các cán bộ thi hành pháp luật theo nguyên tắc tương xứng. Phải hiểu rằng, những nguyên tắc quốc gia về sự tương xứng như vậy phải được tôn trọng khi giải thích điều khoản này. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không được hiểu là điều khoản này cho phép sử dụng vũ lực không tương xứng với mục tiêu chính đáng cần đạt được;

3. Việc sử dụng súng được coi là một biện pháp cực đoan. Cần phải nỗ lực nhằm loại trừ việc sử dụng súng, đặc biệt là chống lại trẻ em. Nói chung, không nên sử dụng súng trừ khi người bị tình nghi phạm tội sử dụng súng để chống lại hoặc đe dọa tính mạng của người khác và những biện pháp ít cực đoan hơn lại không đủ để ngăn chặn hoặc bắt giữ kẻ bị tình nghi phạm tội. Trong mọi trường hợp nổ súng, phải báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 4.

Những vấn đề bảo mật mà các cán bộ thi hành pháp luật nắm được phải được giữ bí mật, trừ khi việc thực hiện nhiệm vụ hoặc công lý yêu cầu khác.

Diễn giải

Do tính chất nhiệm vụ của mình, các cán bộ thi hành pháp luật có thể có những thông tin liên quan đến cuộc sống riêng tư hoặc có thể gây hại cho lợi ích và đặc biệt là uy tín của người khác. Cần phải rất thận trọng trong việc bảo vệ và sử dụng những thông tin như vậy, và những thông tin đó chỉ được tiết lộ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc phục vụ yêu cầu của công lý. Việc tiết lộ những thông tin như vậy cho các mục đích khác là hoàn toàn sai trái.

Điều 5.

Không một cán bộ thi hành pháp luật nào được gây ra, xúi giục hay dung thứ cho bất kỳ một hành động tra tấn hay trừng phạt hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm. Các cán bộ thi hành pháp luật cũng không được viện dẫn những mệnh lệnh cấp trên hay những hoàn cảnh ngoại lệ như là tình trạng chiến tranh hay nguy cơ chiến tranh, mối đe dọa an ninh quốc gia, sự bất ổn chính trị trong nước hay bất kỳ một trường hợp khẩn cấp nào khác để biện minh cho việc tra tấn hay trừng phạt hoặc cách đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.

Diễn giải

1. Điều cấm này bắt nguồn từ Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm do Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, theo đó:

“(Một hành động như vậy) là hành vi vi phạm nhân phẩm và phải bị lên án như là sự phủ nhận những mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc và sự vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người (và những văn kiện quốc tế khác về quyền con người).

2. Tuyên bố định nghĩa tra tấn như sau:

“... tra tấn nghĩa là bất kỳ hành động nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng, về thể xác hay tinh thần, được thực hiện bởi hoặc do sự xúi giục của một viên chức nhà nước gây ra đối với một người nhằm những mục đích như khai thác từ người đó hoặc người thứ ba những thông tin hoặc sự thú tội, trừng phạt người đó vì một hành động mà người đó đã phạm phải hoặc bị nghi đã phạm phải, hoặc đe dọa người đó hay những người khác. Nó không gồm những đau đớn hay đau khổ chỉ phát sinh từ, vốn có hoặc liên quan đến những chế tài hợp pháp trong chừng mực phù hợp với “Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu đối với tù nhân”.

3. Thuật ngữ “đối xử vô nhân đạo, tàn ác hay hạ thấp nhân phẩm” chưa được Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc định nghĩa nhưng cần được giải thích để mở rộng sự bảo vệ tới mức lớn nhất có thể nhằm chống lại sự lạm dụng, dù về thể xác hay tinh thần.

Điều 6.

Các cán bộ thi hành pháp luật phải đảm bảo bảo vệ sức khỏe đầy đủ cho những người mà họ giam giữ và đặc biệt phải hành động tức thì để bảo đảm sự chăm sóc về y tế khi được yêu cầu.

Diễn giải

1. “Sự chăm sóc về y tế” là những dịch vụ do bất kỳ nhân viên y tế nào, kể cả những người hành nghề y có chứng chỉ và những nhân viên y tế bán chuyên nghiệp, phải được đảm bảo khi cần thiết hay khi được yêu cầu.

2. Khi nhân viên y tế được biệt phái tham gia hoạt động thi hành pháp luật, các cán bộ thi hành pháp luật phải cân nhắc đánh giá của các nhân viên y tế đó khi họ đề nghị cho người bị giam giữ được các nhân viên y tế khác không tham gia hoạt động thi hành pháp luật đó điều trị hoặc tham khảo ý kiến về chế độ điều trị thích hợp.

3. Cần hiểu rằng các cán bộ thi hành pháp luật cũng phải bảo đảm chăm sóc y tế cho những nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật hoặc do tai nạn xảy ra trong quá trình vi phạm pháp luật.

Điều 7.

Các cán bộ thi hành pháp luật không được có hành vi tham nhũng. Họ phải kiên quyết phản đối và đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng.

Diễn giải

1. Bất kỳ hành vi tham nhũng nào cũng như bất kỳ sự lạm dụng quyền lực nào khác đều trái với nghề nghiệp của các cán bộ thi hành pháp luật. Luật pháp phải được thi hành đầy đủ đối với bất kỳ cán bộ thi hành pháp luật nào có hành vi tham nhũng, vì các chính phủ không thể hy vọng thi hành pháp luật đối với những công dân của mình nếu họ không thể, hay không muốn thi hành pháp luật đối với chính những nhân viên chính phủ và trong phạm vi những cơ quan chính phủ.

2. Mặc dù định nghĩa về tham nhũng tùy thuộc vào luật pháp quốc gia, cần phải hiểu là tham nhũng bao gồm cả hành động hoặc không hành động, trong khi làm nhiệm vụ hoặc liên quan đến những nhiệm vụ của một người, nhằm đáp lại quà tặng, lời hứa, khoản bồi dưỡng đã yêu cầu hoặc đã được chấp nhận, hoặc việc nhận những thứ đó một cách sai trái khi đã thực hiện hành động hoặc không hành động nói trên.

3. Cụm từ “hành vi tham nhũng” nói ở trên cần được hiểu là gồm cả hành vi tham nhũng chưa đạt.

Điều 8.

Các cán bộ thi hành pháp luật phải tôn trọng pháp luật và Quy ước này. Với khả năng cao nhất của mình, họ cũng phải ngăn chặn và kiên quyết chống lại bất kỳ sự vi phạm nào.

Các cán bộ thi hành pháp luật, khi có lý do để tin rằng sự vi phạm Quy ước này đã xảy ra hay sắp xảy ra, phải báo cáo vấn đề với cơ quan có thẩm quyền cấp trên của mình và nếu cần, tới những cơ quan thích hợp có thẩm quyền kiểm tra hoặc giải quyết.

Diễn giải

1. Quy ước này phải được thực hiện kể từ khi nó được đưa vào pháp luật hay thông lệ quốc gia. Nếu pháp luật hay thông lệ đó có những quy định nghiêm ngặt hơn các quy định của Quy ước này thì những quy định nghiêm ngặt đó sẽ được áp dụng.

2. Điều khoản này nhằm duy trì sự cân bằng giữa một bên là nhu cầu kỷ luật nội bộ của cơ quan mà sự an toàn chung phụ thuộc phần lớn vào đó và bên kia là nhu cầu xử lý vi phạm các quyền con người cơ bản. Các cán bộ thi hành pháp luật phải báo cáo những vi phạm trong phạm vi ngành dọc và chỉ thực hiện hành động hợp pháp ngoài ngành dọc khi những biện pháp khắc phục không có hoặc không hiệu quả. Cần phải hiểu rằng các cán bộ thi hành pháp luật sẽ không phải chịu xử phạt hành chính hay các hình phạt khác vì họ đã báo cáo rằng sự vi phạm Quy ước này đã hay sắp xảy ra.

3. Thuật ngữ “cơ quan có thẩm quyền hay cơ quan thích hợp có thẩm quyền kiểm tra hoặc giải quyết” chỉ bất kỳ nhà chức trách hay cơ quan nào tồn tại theo pháp luật quốc gia, dù trực thuộc hay độc lập với cơ quan thi hành pháp luật, có thẩm quyền luật định, theo thông lệ hoặc thẩm quyền khác để xem xét những khiếu nại và tố cáo phát sinh từ những vi phạm trong phạm vi Quy ước này.

4. Ở một số nước, phương tiện thông tin đại chúng có thể coi như thực hiện những chức năng xem xét khiếu nại tương tự như các chức năng nói ở điểm (c) trên đây. Do đó, có thể xem như là các cán bộ thi hành pháp luật đã hành động đúng khi họ đưa những vụ vi phạm ra trước công luận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như một biện pháp cuối cùng và phù hợp với luật pháp và phong tục của nước họ cũng như những quy định tại Điều 4 của Quy ước này.

5. Các cán bộ thi hành pháp lụât nào tuân theo các quy định của Quy ước này xứng đáng được tôn trọng, được sự ủng hộ hoàn toàn và được sự hợp tác của cộng đồng và của các cơ quan thi hành pháp luật nơi họ làm việc, cũng như của những người trong ngành thi hành pháp luật.