Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh ban hành Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình việc làm năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm năm 2020 với nội dung:

I. CHỈ TIÊU:

1. Giải quyết việc làm cho 16.800 - 17.000 lao động, trong đó:

- Thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, phát triển doanh nghiệp tạo việc làm cho 13.000 lao động

- Hỗ trợ tạo việc làm cho 2.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

- Phấn đấu đưa từ 1.800 - 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%

3. Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 2%

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm

a) Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động.

b) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo từ đó huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh đang định hướng phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động qua đó tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động.

c) Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa vào hoạt động, tuyển dụng lao động vào làm việc.

2. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới

a) Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tập trung mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó tạo ra nhiều việc làm, duy trì việc làm cho người lao động.

b) Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

c) Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các chính sách tín dụng khác để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định và thu hút thêm lao động vào làm việc.

d) Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

3. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và các hoạt động kết nối cung-cầu lao động ở trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

a) Thực hiện tốt việc điều tra thông tin cung, cầu lao động năm 2020, tập trung khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, việc làm của người lao động thuộc các hộ bị di dời thuộc khu vực di tích Kinh thành Huế; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.

c) Đa dạng hóa các hình thức hoạt động kết nối cung - cầu lao động, để tăng khả năng tiếp cận thông tin và kết nối người lao động với chủ sử dụng lao động. Nâng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, phiên giao dịch việc làm lưu động gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngành nghề tuyển dụng, tổ chức các sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, lao động thất nghiệp, sinh viên mới ra trường.

d) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kết nối cung - cầu lao động; tăng cường việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, địa phương, Trung tâm dịch vụ việc làm với người lao động, người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo; thường xuyên chia sẻ thông tin để mở rộng phạm vi hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả kết nối giữa các địa phương, sử dụng các trang mạng xã hội để chuyển tải thông tin về cung, cầu lao động tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo có nhiều cơ hội tiếp; nghiên cứu tổ chức các phiên giao dịch việc làm Online để tạo thêm hình thức tiếp cận cơ hội việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động lựa chọn lao động đáp ứng được yêu cầu.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các Hội nghị, Hội thảo, diễn đàn, sàn giao dịch việc làm ngoài nước nhằm đưa thông tin đến với người lao động có nhu cầu; thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức kết nối với các doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và tổ chức đưa đi làm việc ở các thị trường phù hợp, có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị và kinh tế - xã hội ổn định; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phát huy vai trò và sự tham gia của các giáo dục nghề nghiệp trong việc liên kết với doanh nghiệp hoạt dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tổ chức đào tạo cho người lao động về tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

4. Đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm

a) Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý góp phần nâng cao năng suất lao động.

b) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục - đào tạo. Triển khai các dự án đầu tư trường nghề trọng điểm, ngành, nghề trọng điểm. Hỗ trợ hình thành các trường cao đẳng nghề chất lượng quốc gia, có đủ điều kiện tham gia hệ thống dạy nghề của các nước ASEAN.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo. Gắn kết giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các hoạt động tăng cường mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ở trong nước và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, phóng sự, tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt mạng xã hội: facebook, Zalo, hệ thống truyền thanh tại các tổ dân phố, thôn, bản..., nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giải quyết việc làm.

b) Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở các cấp, các ngành.

c) Tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở. Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm những hiện tượng tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động và đình công xảy ra nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp đảm bảo việc làm và an sinh xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kịp thời giải quyết những phát sinh, tiêu cực cho người lao động.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn Ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán ngân sách của các đơn vị theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

2. Huy động các nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội có hiệu quả để cho vay các dự án phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần tạo việc làm cho người lao động.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Thực hiện tốt công tác phân tích, dự báo, phổ biến và kết nối thông tin cung, cầu lao động.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tiếp tục thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của ngành góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

3. Sở Tài chính Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phân bổ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay tạo việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

4. Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh: Thường xuyên nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp để tổ chức các hoạt động kết nối đưa người lao động vào làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh.

5. Các Sở, ban, ngành có liên quan:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của ngành để xây dựng kế hoạch phát triển gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đào tạo nâng cao chất lượng lao động và thúc đẩy chuyển dịch lao động. Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các địa phương đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, thiếu việc làm và giải quyết những bức xúc về vấn đề lao động - việc làm của ngành.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nghiên cứu thị trường; tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, đổi mới công nghệ theo hướng tăng năng suất lao động, hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm chất lượng cao cho người lao động.

- Khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận lao động tại địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp, đặc biệt là lao động yếu thế, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp,...

6. Ủy ban nhân dân thành phố Huế, các thị xã và các huyện:

- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nội dung của Kế hoạch này, chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm năm 2020 ở địa phương. Tổ chức thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác để giải quyết việc làm cho người lao động có hiệu quả.

- Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động của Chương trình việc làm.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động, công bố và sử dụng số liệu thị trường lao động đã qua xử lý để đánh giá các chỉ tiêu về lao động ở địa phương.

7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh:

- Hướng dẫn, thẩm định, giải ngân cho vay từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần tạo việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên các dự án vay vốn tạo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án vay vốn để xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả, sai mục đích.

8. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp:

- Phối hợp chỉ đạo, triển khai lồng ghép Chương trình việc làm cho đoàn viên, hội viên của mình.

- Làm tốt công tác nhận ủy thác cho vay đã ký kết với Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm.

- Thực hiện và giám sát việc thực hiện Chương trình việc làm ở các cấp.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Căn cứ nội dung nêu tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương chủ động triển khai thực hiện; báo cáo UBND tỉnh định kỳ (báo cáo 06 tháng trước ngày 20/6/2020; báo cáo tổng kết năm trước ngày 30/11/2020) kết quả thực hiện thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch của các ngành, các địa phương. Định kỳ, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (báo cáo 06 tháng trước ngày 25/6/2020; báo cáo tổng kết năm trước ngày 05/12/2020).

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB và XH;
- CT, PCT Nguyễn Dung;
- Các đơn vị nêu tại mục IV;
- CVP, PCVP KGVX;
- Lưu VT, XH.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung