Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH NINH BÌNH
BAN CHỈ ĐẠO THI HÀNH ÁN
DÂN SỰ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/KH-BCĐTHA

Ninh Bình, ngày 27 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2017

Thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án dân sự; Kế hoạch công tác năm 2017 của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác thi hành án dân sự năm 2017 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍNH, YÊU CẦU:

- Nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của tập thể Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội - đoàn thể, chính quyền các cấp trong công tác thi hành án dân sự.

- Chỉ đạo tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức xã hội và công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.

- Tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra các giải pháp để chỉ đạo quyết liệt để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2017 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành, trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh có những chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa kết quả thi hành thực sự bền vững, năm sau cao hơn năm trước.

II. NỘI DUNG

1. Tiếp tục Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án dân sự; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXI nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2017 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm ngành Tư pháp, chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho ngành Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình trong năm 2017.

2. Tổ chức họp, giao ban định kỳ hoặc đột xuất để giải quyết các vụ việc phức tạp cần cưỡng chế hoặc có giải pháp chỉ đạo để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.

3. Tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, bằng các hình thức phù hợp có hiệu quả. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành những vụ việc khó, có vướng mắc.

4. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền xã, phường phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức cưỡng chế những vụ việc khó, có vướng mắc, tồn đọng kéo dài; những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, vụ án trọng điểm đã được Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt, đặc biệt là những vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị tại địa phương.

5. Cục Thi hành án dân sự tỉnh căn cứ chỉ tiêu Quốc hội giao; nhiệm vụ công tác, chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao năm 2017; tình hình thực tiễn tại địa phương, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các đơn vị thi hành án dân sự trong tỉnh.

6. Tổ chức kiểm tra công tác chỉ đạo thi hành án dân sự đối với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố hoặc các xã, phường có lượng án tồn đọng lớn, công tác phối hợp trong thi hành án còn có những hạn chế.

7. Giao cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

- Tổ chức rà soát, lập danh sách những vụ việc, phức tạp, tồn đọng kéo dài; tổng hợp những vướng mắc trong công tác phối hợp, áp dụng pháp luật báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả Thi hành án dân sự một cách toàn diện, khách quan, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra trong năm 2016 để lãnh đạo ngành thi hành án thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2017.

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác thi hành án dân sự và thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án; thí điểm cơ chế một cửa đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc, báo cáo tình hình, kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn, kịp thời đúng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính và Quyết định số 2251/QĐ-BTP ngày 01/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, tập trung xây dựng kế hoạch ở địa phương, ngành mình phụ trách để triển khai, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự năm 2017 đạt hiệu quả.

2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp công tác thi hành án dân sự năm 2017 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và đề xuất những giải pháp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục THADS; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (để báo cáo)
- Các thành viên ban Chỉ đạo THADS tỉnh;
- Ban Chỉ đạo THADS các huyện, thành phố;
- Chi cục THADS các huyện, thành phố;
- Lưu VP, VP7, BCĐTHADS tỉnh.
PH/

TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Tống Quang Thìn