Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1196/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 03 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; căn cứ văn bản số 4111/BYT-TCDS ngày 05/7/2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu tổng quát:

Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh của toàn tỉnh từ 112,8 năm 2015 xuống còn 110 vào năm 2020.

3. Yêu cầu:

- Các hoạt động thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Đề án phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về lựa chọn giới tính khi sinh.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ ... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

- Các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật... phải lồng ghép trong các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan để đảm bảo tính hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Thời gian, phạm vi và địa bàn thực hiện:

- Thời gian: Từ năm 2017 đến năm 2020.

- Phạm vi thực hiện: Toàn tỉnh.

- Địa bàn triển khai: 147 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

2. Đối tượng:

Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, những người có liên quan đến cung cấp dịch vụ hướng dẫn sinh con theo ý muốn; liên quan đến chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi và gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh:

a) Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, tập trung là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai; những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo qui luật tự nhiên.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho mọi người hiểu được ý nghĩa, nội dung hoạt động của Đề án; nâng cao kiến thức về giới và bình đẳng giới, những tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh. Giúp các thai phụ và gia đình tự giác không lựa chọn giới tính khi sinh.

- Tổ chức cung cấp thông tin cho nam, nữ thanh niên đến đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký kết hôn nhằm giúp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị lập gia đình hiểu được tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính.

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức về giới, bình đẳng giới và giới tính khi sinh, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho cộng đồng khu dân cư tạo sự ủng hộ trong xã hội.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 100% các cấp ủy đảng, chính quyền có văn bản chỉ đạo (nghị quyết, chương trình, kế hoạch ...) và trực tiếp tham gia các hoạt động truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- 90% các chức sắc tôn giáo, lãnh đạo tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tham gia hoạt động tuyên truyền về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- 80% các thôn, tổ dân phố, cơ quan tổ chức tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới, không phân biệt vai trò con trai hay con gái trong chăm sóc cha, mẹ già, trong các công việc của gia đình, họ tộc, ngăn cấm lựa chọn giới tính thai nhi (sàng lọc, chẩn đoán, phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi), đưa các nội dung này vào tiêu chí "Gia đình văn hóa" trong hương ước, quy ước. Tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, tham gia tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn.

2. Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh:

a) Giải pháp thực hiện:

- Biên tập, nhân bản các sản phẩm truyền thông để cấp cho các đối tượng phù hợp như: Tài liệu hướng dẫn tư vấn; tờ rơi tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh; băng/đĩa hình tuyên truyền về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, các hoạt động của đề án.

- Xây dựng các cụm pa-nô, áp phích tuyên truyền các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh tại thôn xã, nơi tập trung dân cư, cơ sở cung cấp dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết các quy định pháp luật, tình hình và hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi.

- 85% các thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn hiểu biết các quy định pháp luật, tình hình và hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi.

3. Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường chính trị, trung học phổ thông, trường y:

a) Giải pháp thực hiện:

Lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường chính trị, trung học phổ thông và các trường y bằng các hình thức phù hợp.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 80% các trường học, giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn sinh vật, giáo dục công dân được tập huấn về nội dung giảng dạy về giới và bình đẳng giới.

- 80% các trường học được cung cấp tài liệu tuyên truyền về giới và bình đẳng giới phù hợp với lứa tuổi học sinh.

- 80% các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp, xây dựng các địa điểm tuyên truyền về giới và bình đẳng giới.

4. Xây dựng, thử nghiệm các mô hình:

a) Giải pháp thực hiện:

- Củng cố và mở rộng hoạt động Câu lạc bộ "Các bạn gái tiêu biểu" nhằm động viên, khuyến khích đối tượng các cháu gái là con của gia đình sinh con một bề là gái và có thành tích xuất sắc trong học tập đang học tại các Trường Chính trị, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Trường Y; Câu lạc bộ "Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau làm kinh tế gia đình"; "Câu lạc bộ bình đẳng giới" nhằm động viên, khuyến khích đối tượng là phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên cùng giúp nhau làm kinh tế gia đình tại các xã triển khai.

- Thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ "Nam nông dân sáu chuẩn mực" nhằm giúp nam giới hiểu và thực hiện đúng các chính sách liên quan đến công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, các tác hại về mất cân bằng giới tính khi sinh, các lợi ích và ý nghĩa của sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, câu lạc bộ "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" nhằm giúp ông, bà hiểu được tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh từ đó gần gũi với con cháu, không tạo áp lực cho con cháu về vấn đề "Trọng nam khinh nữ".

- Xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, khu phố, tổ dân phố nhằm duy trì mức sinh hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

5. Các hoạt động hội nghị, hội thảo chuyên đề; sơ, tổng kết, khảo sát, đánh giá kết thúc Đề án:

a) Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về giới, bình đẳng giới và giới tính khi sinh, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi với sự tham dự của lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng; tạo sự quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Sơ tổng kết hàng năm: Nhằm đánh giá kết quả hoạt động, biểu dương những địa bàn triển khai hiệu quả để học tập nhân rộng; nhận định những mặt yếu kém, tồn tại, nguyên nhân và hướng khắc phục.

- Đánh giá kết thúc Đề án: Nhằm xác định thực trạng giới tính khi sinh; khảo sát nắm danh sách nhóm phụ nữ có 2 con là nữ; khảo sát kiến thức, thái độ của các đối tượng chịu sự tác động của Đề án; việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 80% cán bộ, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, những người đứng đầu dòng họ, các bậc ông, bà, những người uy tín trong cộng đồng nắm được các quy định của pháp luật, tình hình và hậu quả của lựa chọn giới tính khi sinh.

- 70% các dòng họ, các thôn, tổ dân phố thay đổi nội dung các quy định theo hướng không kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.

6. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ:

a) Giải pháp thực hiện:

- Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, phụ nữ có chồng chỉ có 02 con là gái trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội,

- Tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại các trường Trung học phổ thông nhằm chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái trong gia đình có 02 con là gái với thành tích học tập giỏi năm cuối trung học phổ thông, biểu dương các cháu gái có thành tích cao trong học tập.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- Tỷ lệ phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng chỉ có 02 con là gái được khám, tư vấn và theo dõi về sức khỏe sinh sản đạt 90% vào năm 2020.

- Tỷ lệ phụ nữ ở nông thôn đã có 01 con gái đăng ký tham gia Đề án được hỗ trợ về chi phí sinh đẻ (ở lần sinh thứ 2) đạt 80% vào năm 2020.

- Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động chỉ có 02 con là gái (phải đăng ký không sinh thêm con) được hỗ trợ phát triển kinh tế (vay vốn ưu tiên từ ngân hàng chính sách) đạt 60% vào năm 2020.

7. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi:

a) Giải pháp thực hiện:

- Phổ biến các văn bản quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho lãnh đạo các cơ sở có khả năng cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai và cán bộ trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật.

- Tổ chức cho các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi và tham gia tuyên truyền về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật của nhà nước và qui chế, quy định, điều lệ của tổ chức về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

- Định kỳ tổ chức bình xét, khen thưởng nhằm động viên khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia tốt các nội dung, chương trình hoạt động của Đề án.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 100% cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm (máu, gen, nước ối, tế bào) và phá thai cam kết không thực hiện phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi.

- 100% cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm (máu, gen, nước ối, tế bào); dịch vụ phá thai; in ấn, kinh doanh ấn phẩm văn hóa được cung cấp tài liệu về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

8. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật:

a) Giải pháp thực hiện:

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm; nạo phá thai; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm nhằm hạn chế và từng bước loại dần hiện tượng phá thai do lựa chọn giới tính, siêu âm công bố giới tính, tài liệu lựa chọn giới tính; ngăn chặn việc sản xuất, nhân bản buôn bán và lưu hành các tài liệu phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi.

- Xây dựng mạng lưới cung cấp, thu nhận và xử lý thông tin tố giác, tố cáo vi phạm ở cộng đồng dân cư.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 100% UBND các cấp thực hiện phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chuyên môn cùng cấp trong việc điều tra, thanh tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

- 100% các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm và phá thai được giám sát thường xuyên một cách chặt chẽ.

- 100% xã, phường có hòm thư tố giác tố cáo vi phạm pháp luật về giới tính khi sinh ở cộng đồng dân cư.

- 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông, các cơ sở dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi được kiểm tra, thanh tra.

- 100% các trường hợp vi phạm được xử lý theo quy định của pháp luật và được thông báo công khai, rộng rãi.

9. Đào tạo, tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh:

a) Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn tuyến tỉnh, huyện nhằm cập nhật kiến thức mới và lợi ích của Đề án.

- Tổ chức lớp tập huấn cán bộ tuyên truyền, tư vấn, quản lý đối tượng tuyến xã, nhân viên y tế các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi nhằm nâng cao phương pháp, kỹ năng truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, quy trình, quy phạm chuyên môn kỹ thuật có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- 100% cán bộ truyền thông các cấp, cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và nhân viên y tế thôn bản được tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng truyền thông về vấn đề kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, giới và bình đẳng giới.

- 100% nhân viên y tế các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi được tập huấn về các quy định, quy trình, quy phạm chuyên môn kỹ thuật liên quan đến cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

10. Các hoạt động quản lý, báo cáo thống kê:

a) Giải pháp thực hiện:

- Tổng hợp kết quả thực hiện Đề án theo quý, năm nhằm đánh giá công tác tổ chức thực hiện, đào tạo, tập huấn, sử dụng kinh phí ... Từ đó, thấy được những thuận lợi và khó khăn để đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Đề án.

- Xác định và thiết lập hệ thống sổ sách mẫu biểu ghi chép theo dõi đối tượng, báo cáo thống kê; cập nhật dữ liệu giới tính trẻ sinh ra hàng năm để đánh giá hiệu quả Đề án, giúp quản lý các đối tượng của Đề án một cách khoa học, làm cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu và đánh giá hiệu quả Đề án một cách xác thực.

b) Kết quả và chỉ tiêu cần đạt được:

- Cập nhật được dữ liệu giới tính trẻ sinh ra hàng năm, giảm thiểu được tình trạng mất cân bằng giới tính.

- Đánh giá được hoạt động của Ban Quản lý Đề án các cấp hàng năm về công tác tổ chức thực hiện.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch cho giai đoạn 2017 - 2020 là 10.578,0 triệu đồng (mười tỷ, năm trăm bảy mươi tám triệu đồng), trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 468/QĐ-TTg: 10.008,0 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương (nguồn sự nghiệp y tế): 230,0 triệu đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 340,0 triệu đồng.

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm văn bản số 327/STC-HCSN ngày 21/02/2017 của Sở Tài chính).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch này; hàng năm, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch trên địa bàn tỉnh; định kỳ kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; báo cáo Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - KHHGĐ) và UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh đề xuất các cơ quan Trung ương bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch; phân bổ nguồn kinh phí cho các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động lồng ghép các Chương trình, Đề án, Dự án có liên quan để thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể:

- Tham gia giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên, đoàn viên tích cực hưởng ứng và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động của Kế hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách.

5. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

- Tham mưu huyện ủy, thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Kế hoạch tại địa phương;

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các tổ chức đoàn thể và UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương;

- Lồng ghép các hoạt động của Đề án với các hoạt động chương trình Dân số - KHHGĐ của địa phương;

- Định kỳ 06 tháng và trước ngày 12/12 hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo gửi Sở Y tế theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện/thành phố;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đa