Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HIỆP ĐỊNH

VỀ GIÁM ĐỊNH HÀNG HÓA TRƯỚC KHI XẾP HÀNG

Các Thành viên:

Ghi nhận ngày 20/9/1986, các Bộ trưởng đã nhất trí rằng các Vòng Đàm phán Uruguay về thương mại Đa biên nhằm mục đích “tự do hóa và mở rộng hơn nữa thương mại thế giới", "tăng cường vai trò của GATT" và "nâng cao tính hiệu quả của hệ thống GATT trong môi trường kinh tế quốc tế luôn biến động";

Ghi nhận rằng một số Thành viên đang phát triển tin tưởng vào giám định hàng hóa;

Thừa nhận sự cần thiết phải giám định chất lượng, số lượng hoặc giá cả của hàng hóa nhập khẩu của các nước đang phát triển trong thời hạn và cấp độ những nước này thấy phù hợp;

Nhận thức rằng việc thực hiện những hoạt động giám định không được tạo thêm trì hoãn không cần thiết hoặc gây đối xử không công bằng;

Ghi nhận việc giám định được thực hiện trên lãnh thổ của các Thành viên xuất khẩu;

Thừa nhận sự cần thiết phải xác lập một khuôn khổ quốc tế thống nhất về quyền và nghĩa vụ của cả các Thành viên sử dụng và các Thành viên xuất khẩu;

Thừa nhận các nguyên tắc và nghĩa vụ của GATT 1994 được áp dụng cho hoạt động giám định của các cơ quan giám định hàng hóa mà được chính phủ của các Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) uỷ quyền;

Thừa nhận mong muốn làm minh bạch hóa hoạt động của cơ quan giám định hàng hóa, luật pháp và các quy định liên quan về giám định hàng hóa;

Mong muốn có được giải pháp nhanh chóng, hiệu quả và công bằng đối với các tranh chấp phát sinh theo Hiệp định này giữa người xuất khẩu và cơ quan giám định hàng hóa;

Dưới đây thoả thuận như sau :

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh - Giải thích thuật ngữ

1.Hiệp định này điều chỉnh mọi hoạt động giám định hàng hóa được thực hiện trên lãnh thổ của các Thành viên dưới hình thức ký hợp đồng hoặc uỷ quyền của chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan chính phủ nào của một Thành viên.

2.Thuật ngữ "Thành viên sử dụng" là Thành viên mà chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan chính phủ nào ký hợp đồng hoặc uỷ quyền sử dụng các hoạt động giám định hàng hóa.

3.Hoạt động giám định hàng hóa là mọi hoạt động liên quan đến việc thẩm định số lượng, chất lượng và giá cả, kể cả tỷ giá hối đoái và các điều kiện tài chính, và/hoặc phân loại hải quan của hàng hóa xuất khẩu đến lãnh thổ Thành viên sử dụng.

4.Thuật ngữ "cơ quan giám định hàng hóa" là cơ quan được một Thành viên ký hợp đồng hoặc uỷ quyền thực hiện các hoạt động giám định hàng hóa[1].

Điều 2: Nghĩa vụ của các Thành viên sử dụng Không phân biệt đối xử

1.Thành viên sử dụng phải bảo đảm các hoạt động giám định hàng hóa được thực hiện, thủ tục và tiêu chuẩn tiến hành các hoạt động này trên cơ sở không phân biệt đối xử là khách quan và được áp dụng thống nhất đối với mọi người nhập khẩu chịu tác động của các hoạt động này. Thành viên sử dụng phải bảo đảm tiêu chuẩn giám định thống nhất giữa các giám định viên của cơ quan giám định mà mình ký hợp đồng hoặc uỷ quyền.

Yêu cầu đối với Chính phủ

2.Thành viên sử dụng phải bảo đảm khi hoạt động giám định hàng hóa có liên quan đến pháp luật, quy định dưới luật và yêu cầu của nước mình thì cũng phải tham chiếu ở mức độ phù hợp đến các điều khoản nêu tại đoạn 4 Điều III - GATT 1994.

Địa điểm giám định

3.Thành viên sử dụng phải bảo đảm mọi hoạt động giám định hàng hóa, bao gồm cả việc cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hoặc thông báo việc không cấp được thực hiện trên lãnh thổ hải quan nơi hàng hóa xuất đi. Nếu việc giám định không thể được tiến hành trên lãnh thổ hải quan do tính chất phức tạp của hàng hóa hoặc hai bên có thỏa thuận khác thì việc giám định có thể được tiến hành tại nơi sản xuất hàng hóa.

Tiêu chuẩn

4.Thành viên sử dụng phải bảo đảm việc giám định chất lượng và số lượng tuân thủ các tiêu chuẩn do bên bán và bên mua xác lập trong hợp đồng mua bán. Trong trường hợp giữa hai bên không xác lập tiêu chuẩn thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế[2] liên quan.

Tính minh bạch

5.Các Thành viên sử dụng phải bảo đảm hoạt động giám định trước khi xếp hàng được thực hiện một cách minh bạch.

6.Các Thành viên sử dụng phải bảo đảm rằng việc cơ quan giám định trước khi xếp hàng cung cấp danh mục thông tin cần thiết cho người xuất khẩu để họ tuân thủ các yêu cầu quy định (từ lần đầu tiên người xuất khẩu tiếp xúc). Cơ quan giám định phải cung cấp thông tin thực tế ngay khi người xuất khẩu yêu cầu. Thông tin phải bao gồm cả một tham chiếu tới các quy định của pháp luật và các quy định khác của Thành viên sử dụng về hoạt động giám định trước khi xếp hàng. Thông tin cũng phải bao gồm thủ tục và tiêu chuẩn giám định, yêu cầu về thẩm định giá cả, tỷ giá hối đoái; quyền của người xuất khẩu đối với cơ quan giám định và thủ tục khiếu nại theo quy định tại đoạn 21 của Điều này. Yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi về thủ tục giám định hiện hành sẽ không được áp dụng cho một chuyến hàng, trừ trường hợp người xuất khẩu được thông báo về những thay đổi này tại thời điểm ngày giám định được ấn định. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp nêu tại Điều XX và Điều XXI - GATT 1994, yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi có thể được áp dụng cho một chuyến hàng trước khi người xuất khẩu được thông báo. Mặc dù vậy, quy định này không làm giảm nghĩa vụ của người xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy định về nhập khẩu của Thành viên sử dụng.

7.Các Thành viên sử dụng phải bảo đảm thông tin nêu tại đoạn 6 luôn sẵn có và dễ tiếp cận đối với người xuất khẩu và các văn phòng giám định xếp hàng do cơ quan giám định trước khi xếp hàng điều hành phải là các đầu mối cung cấp thông tin.

8.Các Thành viên sử dụng phải công bố ngay khi các quy định và luật pháp áp dụng về hoạt động giám định trước khi xếp hàng của mình cho Chính phủ cũng như thương nhân các nước khác có điều kiện làm quen với những quy định và luật pháp áp dụng này.

Bảo đảm bí mật thông tin thương mại

9.Thành viên sử dụng phải bảo đảm các cơ quan giám định trước khi xếp hàng xem tất cả thông tin có được khi giám định hàng hóa là bí mật kinh doanh khi những thông tin này chưa được công bố, chưa phổ biến cho bên thứ 3 hoặc phổ biến công cộng. Thành viên sử dụng phải bảo đảm rằng các cơ quan giám định xếp hàng duy trì thủ tuck này đến cùng.

10.Khi được yêu cầu, Thành viên sử dụng phải cung cấp thông tin cho Thành viên về biện pháp mà mình thực hiện để thi hành đoạn 9. Các điều khoản của đoạn này không yêu cầu Thành viên tiết lộ thông tin mật gây nguy hại đến việc thực thi của các chương trình giám định xếp hàng hoặc đến lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân cụ thể.

11.Thành viên sử dụng phải bảo đảm cơ quan giám định không tiết lộ thông tin kinh doanh mật cho bất kỳ bên thứ 3 nào, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chính phủ mà cơ quan giám định ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền. Thành viên sử dụng phải bảo đảm thông tin kinh doanh mật mà mình nhận được từ các cơ quan giám định xếp hàng mà họ ký hợp đồng hoặc ủy quyền được bảo mật thích đáng. Cơ quan giám định sẽ cung cấp thông tin kinh doanh mật cho chính phủ mà mình ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền trong giới hạn thông lệ tín dụng thư, hoặc các hình thức thanh toán khác yêu cầu hoặc để cấp phép hải quan, cấp phép nhập khẩu hoặc để kiểm soát tỷ giá hối đoái.

12.Nước sử dụng phải bảo đảm cơ quan giám định trước khi xếp hàng không được yêu cầu người xuất khẩu cung cấp thông tin về:

 (a)dữ liệu sản xuất liên quan đến bằng phát minh sáng chế, li-xăng, các quy trình mật hoặc quy trình mà trong đó bằng phát minh đang chờ công bố;

 (b)dữ liệu kỹ thuật chưa công bố trừ những dữ liệu cần thiết để chứng minh sự phù hợp của hàng hóa đối với các tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật;

 (c)giá nội địa bao gồm cả chi phí sản xuất;

 (d)mức lợi nhuận;

 (e)các điều khoản của hợp đồng giữa người xuất khẩu và người cung cấp của họ, trừ trường hợp cơ quan giám định không thể tiến hành giám định được hàng hóa cần giám định. Trong trường hợp này, cơ quan giám định chỉ được phép yêu cầu những thông tin cần thiết đáp ứng mục đích này.

13.Thông tin nêu tại đoạn 12, nếu cơ quan giám định không có yêu cầu, người xuất khẩu có thể tự nguyện công bố để thuyết minh một trường hợp cụ thể.

Xung đột lợi ích

14.Các Thành viên sử dụng phải bảo đảm cơ quan giám định xếp hàng ngoài việc bảo vệ thông tin thương mại mật nêu tại các đoạn từ 9 đến 13 còn phải duy trì các thủ tục nhằm tránh xung đột lợi ích giữa:

 (a)cơ quan giám định trước khi xếp hàng đang thực hiện giám định và các cơ quan có liên quan đến cơ quan giám định, bao gồm cả các cơ quan có lợi ích thương mại hoặc tài chính với cơ quan có liên quan này hoặc bất kỳ cơ quan nào có lợi ích tài chính với cơ quan giám định và cơ quan có hàng hóa phải giám định;

 (b)cơ quan giám định và cơ quan khác, bao gồm cả các cơ quan phải chịu hoạt động giám định trước khi xếp hàng, trừ cơ quan chính phủ ký hợp đồng hoặc uỷ quyền giám định;

 (c)các bộ phận giám định thuộc cơ quan quan giám định tham gia vào hoạt động giám định mà không phải các bộ phận tiến hành quá trình giám định.

Trì hoãn

15.Thành viên sử dụng phải bảo đảm rằng các cơ quan giám định cần tránh việc trì hoãn giám định trước khi xếp hàng mà không có lý do chính đáng. Thành viên sử dụng phải bảo đảm khi cơ quan giám định và người xuất khẩu đã thỏa thuận được về ngày giám định thì cơ quan giám định phải tiến hành giám định vào ngày đã thỏa thuận này, trừ trường hợp ngày giám định được thay đổi trên cơ sở cả hai bên cùng chấp nhận hoặc trường hợp cơ quan giám định bị người xuất khẩu cản trở việc giám định hoặc vì các trường hợp bất khả kháng[3].

16.Thành viên sử dụng phải bảo đảm trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu cuối cùng và hoàn tất công việc giám định, cơ quan giám định phải cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hoặc giải thích rõ bằng văn bản lý do không cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Thành viên sử dụng phải bảo đảm trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, cơ quan giám định phải tạo cho người xuất khẩu cơ hội trình bày bằng văn bản quan điểm và nếu được người xuất khẩu yêu cầu thì bố trí tái giám định vào ngày sớm nhất thuận tiện cho cả hai bên.

17.Thành viên sử dụng phải bảo đảm trước ngày giám định thực tế bất kỳ, khi nào người xuất khẩu có yêu cầu thì cơ quan giám định phải tiến hành thẩm định sơ bộ về giá cả và nếu có thể được, tiến hành cả thẩm định về tỷ giá hối đoái căn cứ theo hợp đồng được ký giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu, hóa đơn không chính thức, và nếu có thể được, đơn đề nghị cho phép nhập khẩu. Thành viên sử dụng phải bảo đảm giá cả hoặc tỷ giá hối đoái được cơ quan giám định chấp nhận trên cơ sở thẩm định sơ bộ không thể huỷ bỏ nếu hàng hóa phù hợp với tài liệu và/hoặc giấy phép nhập khẩu. Thành viên sử dụng cũng phải bảo đảm rằng sau khi thực hiện việc điều tra sơ bộ, cơ quan giám định phải thông báo bằng văn bản ngay cho người xuất khẩu về quyết định chấp nhận hoặc lý do chi tiết không chấp nhận của mình đối với giá cả và/hoặc tỷ giá hối đoái.

18.Để tránh trì hoãn trong việc thanh toán, Thành viên sử dụng phải bảo đảm cơ quan giám định gửi cho người xuất khẩu hoặc cho đại diện được chỉ định của người xuất khẩu Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn trong thời hạn sớm nhất có thể.

19.Thành viên sử dụng phải bảo đảm trong trường hợp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn có lỗi biên chép, cơ quan giám định phải đính chính lỗi biên chép này và gửi thông tin đã được hiệu đính cho các bên liên quan trong thời hạn sớm nhất có thể.

Thẩm định giá

20.Để tránh việc khai trên hoặc dưới mức hóa đơn hoặc khai man, Thành viên sử dụng phải bảo đảm cơ quan giám định trước khi xếp hàng tiến hành việc thẩm định giá[4] theo hướng dẫn sau:

 (a)cơ quan giám định hàng hóa chỉ có quyền bác bỏ mức giá đã được người xuất khẩu và người nhập khẩu chấp thuận trong hợp đồng nếu chứng minh được rằng phát hiện của họ đối với mức giá không hợp lý này được dựa trên quá trình thẩm định giá phù hợp với các tiêu chuẩn đặt ra từ tiêu đoạn b đến tiểu đoạn e;

 (b)cơ quan giám định hàng hóa phải đưa mức giá so sánh để thẩm định giá xuất khẩu của hàng hóa tương tự hoặc cùng loại tại cùng một nước xuất khẩu, tại hoặc gần như cùng thời điểm, cùng điều kiện bán hàng cạnh tranh và so sánh, phù hợp với các tập quán thương mại và trừ bất kỳ khoản chiết khấu theo chuẩn nào. Sự so sánh này phải dựa trên:

 (i)chỉ sử dụng đơn giá hợp lệ, có tính đến các yếu tố kinh tế thích hợp của nước nhập khẩu và một hoặc nhiều nước làm cơ sở để so sánh giá;

 (ii)cơ quan giám định hàng hóa không được dựa vào giá hàng hóa chào cho các nước nhập khẩu khác nhau để áp đặt tùy tiện mức giá thấp nhất cho chuyến hàng;

 (iii)cơ quan giám định hàng hóa phải tính đến các yếu tố cụ thể nêu tại tiểu đoạn c;

 (iv)trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình trên, cơ quan giám định phải tạo cơ hội để người xuất khẩu giải thích về giá;

 (c)khi tiến hành thẩm định giá, cơ quan giám định sẽ xem xét các điều kiện của hợp đồng bán hàng và những yếu tố điều chỉnh áp dụng chung của giao dịch; những yếu tố này bao gồm, nhưng không giới hạn trong, cấp độ lưu thông và số lượng bán, điều kiện và thời hạn giao hàng, điều khoản điều chỉnh giá, thông số chất lượng, đặc trưng kiểu dáng, tiêu chuẩn đặc biệt về chuyên chở và đóng gói, kích cỡ yêu cầu, bán hàng tại chỗ, ảnh hưởng mùa vụ, giấy phép hoặc phí bản quyền khác và dịch vụ được thuê mà xem là một phần của hợp đồng nếu dịch vụ này theo thông lệ không được thanh toán riêng. Cơ quan giám định cũng phải tính đến những yếu tố cụ thể liên quan đến giá của người xuất khẩu như quan hệ hợp đồng giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu;

 (d)việc xác định phí vận chuyển chỉ xem xét đến giá thỏa thuận về phương thức vận chuyển tại nước xuất khẩu như đã được quy định trong hợp đồng bán hàng;

 (e)không thẩm định giá trên cơ sở sau:

(i)giá bán hàng hóa được sản xuất tại nước nhập khẩu;

(ii)giá hàng hóa xuất khẩu của nước không phải là nước xuất khẩu;

(iii)chi phí sản xuất;

(iv)giá hoặc giá trị không thực hoặc tuỳ tiện.

Thủ tục khiếu nại

21.Các Thành viên sử dụng phải bảo đảm rằng cơ quan giám định thiết lập các thủ tục tiếp nhận, xem xét và ra quyết định đối với những khiếu nại của người xuất khẩu, và thông tin về những thủ tục này phải sẵn có cho người xuất khẩu theo các quy định tại đoạn 6 và 7. Thành viên sử dụng phải bảo đảm các thủ tục khiếu nại được phát triển và duy trì phù hợp với hướng dẫn sau:

 (a)cơ quan giám định hàng hóa phải chỉ định một hoặc nhiều nhân viên thường trực trong giờ làm việc có mặt tại thành phố hoặc cảng, nơi cơ quan giám định có văn phòng hành chính của mình để tiếp nhận, xem xét và ra quyết định đối với khiếu nại của người xuất khẩu;

 (b)người xuất khẩu phải cung cấp bằng văn bản cho một hoặc một số các nhân viên được chỉ định sự thật liên quan đến giao dịch cụ thể đang xét tới, nội dung khiếu nại và kiến nghị giải pháp;

 (c)nhân viên được chỉ định phải xem xét khiếu nại của người xuất khẩu một cách thiện chí và ra quyết định trong thời hạn sớm nhất kể từ khi nhận được văn bản nêu tại tiểu đoạn b.

Mất hiệu lực

22.Bằng việc làm mất hiệu lực các quy định tại Điều 2, Thành viên sử dụng sẽ chứng minh rằng trừ trường hợp hàng hóa được giao từng phần, các chuyến hàng có giá trị thấp hơn giá trị tối thiểu áp dụng cho chính chuyến hàng này do chính Thành viên sử dụng này quy định thì không phải giám định, trừ các trường hợpngoại lệ. Giá trị tối thiểu này là một phần thông tin được cung cấp cho người xuất khẩu theo các quy định tại đoạn 6.

Điều 3: Nghĩa vụ của Thành viên xuất khẩu Không phân biệt đối xử

1.Thành viên xuất khẩu phải bảo đảm rằng các quy định pháp luật khác của mình về hoạt động giám định hàng hóa được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Minh bạch hóa

2.Các Thành viên xuất khẩu phải công bố ngay lập tức các quy định và pháp luật áp dụng về hoạt động giám định trước khi xếp hàng của mình cho chính phủ cũng như thương nhân các nước khác để họ có thể làm quen với những quy định và pháp luật áp dụng này.

Trợ giúp kỹ thuật

3.Nếu được yêu cầu, Thành viên xuất khẩu sẽ thực hiện trợ giúp kỹ thuật cho Thành viên sử dụng, nhằm đạt được các mục tiêu của Hiệp định này, theo những điều kiện được hai bên chấp thuận[5].

Điều 4: Các thủ tục rà soát độc lập

Thành viên phải khuyến khích cơ quan giám định và người xuất khẩu cùng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sau 2 ngày làm việc kể từ khi khiếu nại phù hợp với các quy định tại đoạn 21 của Điều 2, một trong các bên có quyền chuyển tranh chấp đến cơ quan rà soát độc lập. Thành viên phải áp dụng các biện pháp hợp lý trong điều kiện của mình để bảo đảm rằng các thủ tục dưới đây được thiết lập và duy trì đến cùng:

 (a)để thực hiện hoạt động này, các tủ tục này được cơ quan độc lập kết hợp với một tổ chức đại diện của các cơ quan giám định và tổ chức đại diện của người xuất khẩu, quản lý.

 (b)cơ quan độc lập nêu tại tiểu đoạn (a) sẽ lập danh sách các chuyên gia sau:

(i)một bộ phận gồm các thành viên được tổchức đại diện cho các cơ quan giám định hàng hóa đề cử;

 (ii)một bộ phận gồm các thành viên được tổ chức đại diện cho người xuất khẩu đề cử;

 (iii)một bộ phận gồm các chuyên gia thương mại độc lập, được cơ quan xem xét độc lập nêu tại tiểu đoạn (a) trên đề cử.

Các cơ quan cần tính đến địa phương làm việc của chuyên gia trong danh sách để tranh chấp nào cũng sẽ được xử lý một cách thuận tiện. Danh sách các chuyên gia được lập trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực và được cập nhật hàng năm. Danh sách được công bố công khai, được gửi tới Ban Thư ký và lưu chuyển cho mọi Thành viên.

 (c)người xuất khẩu hoặc cơ quan giám định khi có tranh chấp phải liên lạc với cơ quan độc lập nêu tại tiểu đoạn (a) và đề nghị cơ quan này thành lập Hội đồng bồi thẩm. Hội đồng gồm 3 thành viên. Thành viên của Hội đồng phải được lựa chọn để tránh những trì hoãn và các chi phí không cần thiết. Thành viên thứ nhất của Hội đồng sẽ do cơ quan giám định liên quan bầu ra (bộ phận nêu tại tiết (i), với điều kiện thành viên này phải độc lập với cơ quan giám định. Thành viên thứ 2 được người xuất khẩu lựa chọn từ bộ phận nêu tại tiết (ii) trên, với điều kiện là thành viên này độc lập với người xuất khẩu. Thành viên thứ 3 được cơ quan độc lập nói tại điểm (a) trên lựa chọn từ bộ phận nêu tại tiết (iii) trên. Các bên của danh sách nói trên không có quyền phản đối sự lựa chọn bất kỳ một chuyên gia thương mại độc lập nào từ bộ phận (iii) của danh sách nói trên.

 (d)chuyên gia thương mại độc lập được lựa chọn từ bộ phận (iii) trên sẽ là chủ tịch hội đồng. Chuyên gia thương mại độc lập sẽ đưa ra quyết định cần thiết để bảo đảm giải quyết tranh chấp nhanh chóng, ví dụ xem xét vụ việc để quyết định Hội đồng có cần nhóm họp. Nếu cần thì phải quyết định địa điểm nhóm họp có tính đến vị trí giám định hàng hóa.

 (e)nếu các bên tranh chấp thỏa thuận để một chuyên gia thương mại được lựa chọn từ bộ phận (iii) trong danh sách trên do cơ quan độc lập chỉ định theo như tiểu đoạn (a) xem xét tranh chấp, chuyên gia này phải đưa ra quyết định cần thiết để bảo đảm giải quyết tranh chấp nhanh chóng, ví dụ như tính đến địa điểm giám định hàng hóa.

Trong quá trình xem xét giải quyết tranh chấp, đối tượng được xem xét là việc xác định liệu các bên tranh chấp có tuân thủ các quy định của Hiệp định này hay không. Thủ tục xem xét phải nhanh chóng và tạo cơ hội cho cả hai bên trình bày quan điểm của mình thông qua tranh luận bằng miệng hoặc dưới hình thức văn bản.

Quyết định của Hội đồng 3 người đạt được bằng biểu quyết theo đa số. Quyết định về tranh chấp được đưa ra trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ ngày được yêu cầu xem xét độc lập và được thông báo cho các bên tranh chấp. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Hội đồng hoặc chuyên gia thương mại độc lập phân bổ phí, căn cứ vào giá trị của vụ việc.

 (h)Quyết định của Hội đồng có hiệu lực bắt buộc đối với cơ quan giám định hàng hóa và người xuất khẩu, là các bên tranh chấp.

Điều 5: Thông báo

Các Thành viên sẽ đệ trình cho Ban Thư ký bản sao các quy định pháp luật và quy định khác mà căn cứ đó Hiệp định có hiệu lực cũng như bản sao các quy định pháp luật hoặc quy định khác về giám định trước khi xếp hàng, khi hoạt động tổ chức Thương mại thế giới có hiệu lực với Thành viên này. Không một thay đổi nào trong quy định của pháp luật và quy định khác về giám định hàng hóa được thực thi khi những thay đổi này chưa được công bố chính thức. Những thay đổi này phải được thông báo cho Ban Thư ký ngay sau khi công bố. Ban Thư ký sẽ thông báo cho các Thành viên về sự sẵn có của các thông tin này.

Điều 6: Rà soát

Cuối năm thứ 2 kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực và sau đó định kỳ 3 năm, Hội nghị Bộ trưởng sẽ xem xét lại các điều khoản và việc thi hành Hiệp định này có tính đến các mục tiêu và kinh nghiệm thu được từ việc thực thi Hiệp định. Dựa trên kết quả xem xét, Hội nghị Bộ trưởng có thể sửa đổi các điều khoản của Hiệp định.

Điều 7: Tham vấn

Khi được yêu cầu, các Thành viên sẽ tiến hành tham vấn với các Thành viên khác về bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến việc thi hành Hiệp định này. Trong trường hợp này, các quy định tại Điều XXII - GATT 94, được chi tiết hóa và áp dụng theo như Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp sẽ được áp dụng cho hoạt động này.

Điều 8: Giải quyết tranh chấp

Tranh chấp giữa các Thành viên về việc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết theo các quy định tại Điều XXIII - GATT 94, và theo Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp đã được chi tiết hóa và áp dụng.

Điều 9: Các điều khoản cuối cùng

Các Thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện Hiệp định hiện tại này.

2.Các Thành viên phải bảo đảm các quy định pháp luật và quy định khác của mình không trái với các quy định của Hiệp định này.

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1]Được hiểu rằng điều khoản này không buộc các Thành viên phải cho phép các cơ quan chính phủ của thành viên khác tiến hành hoạt động giám định trước khi xếp hàng trên lãnh thổ của mình.

[2]Một tiêu chuẩn quốc tế là một tiêu chuẩn được một cơ quan chính phủ hoặc phi chính phủ, có một trong số các hoạt động nổi bật là trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, mà tư cách hội viên bỏ ngỏ cho tất cả các Thành viên.

[3]Được hiểu rằng, để thực hiện Hiệp định này, "bất khả kháng" có nghĩa là không thể cưỡng lại được hoặc bắt buộc hoặc vì những sự kiện không thể dự đoán trước do không thực hiện hợp đồng gây ra.

[4]Nhiệm vụ của các Thành viên sử dụng đối với đến dịch vụ của các cơ quan giám định trước khi xếp hàng liên quan đến trị giá tính thuế hải quan sẽ là nhiệm vụ họ đã chấp nhận trong GATT 1994 và các hoạt động thương mại đa biên khác trong Phụ lục 1A của hoạt động WTO.

[5]Được hiểu rằng trợ giúp kỹ thuật này có thể được tiến hành trên cơ sở song phương, nhiều bên hoặc đa biên.