Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số : 738/QĐ-SGTCC

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 03  năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA GIỮA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, KHU ĐƯỜNG SÔNG VÀ THANH TRA SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 09 tháng 01 năm 1991của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở Giao thông Công chánh;
Căn cứ Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về đổi tên Sở Giao thông Công chánh thành Sở Giao thông - Công chính trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;
Căn cứ Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giao thông - Công chính thành phố;
Nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp trong hoạt động giữa Cảng vụ đường thủy nội địa, Khu Đường sông và Thanh tra Sở Giao thông – Công chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Giao thông – Công chính;
Theo đề nghị của Tổ công tác chấn chỉnh toàn diện về tổ chức và hoạt động của Khu Đường sông ( được thành lập theo Quyết định 3567/QĐ-SGTCC ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Sở Giao thông – Công chính
),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm phối hợp trong quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa giữa Cảng vụ đường thủy nội địa, Khu Đường sông và Thanh tra Sở Giao thông - Công chính thuộc Sở Giao thông - Công chính Tp.Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định khác của Sở Giao thông - Công chính trái với các quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Sở, Trưởng các Phòng quản lý chuyên ngành, các Phòng nghiệp vụ Sở; Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Giám đốc Khu Đường sông, Chánh Thanh tra Sở; Giám đốc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBND TP.HCM “để báo cáo”;
- Sở Tư pháp;
- Bộ GTVT;
- Cục Đường Sông Việt Nam;
- Thường trực Đảng ủy Sở;
- Ban Giám đốc;
- Công đoàn, Đoàn TNCS Sở;  
- Lưu VT, PC .ntt.50.

GIÁM ĐỐC




Trần Quang Phượng

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA GIỮA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, KHU ĐƯỜNG SÔNG VÀ THANH TRA SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 738/QĐ-SGTCC ngày 13/03/2007 của Sở Giao thông - Công chính )

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này xác định những nội dung phối hợp, nguyên tắc và mối quan hệ trong hoạt động phối hợp giữa Cảng vụ đường thủy nội địa (Cảng vụ ĐTNĐ), Khu Đường sông và Thanh tra Sở Giao thông - Công chính (Thanh tra Sở GTCC) trong công tác quản lý chuyên ngành đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa do thành phố quản lý.

Điều 2. Mục đích thực hiện công tác phối hợp

Hoạt động phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan thuộc Sở Giao thông - Công chính trong việc quản lý có hiệu quả mạng lưới và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đường thủy nội địa.

Công tác phối hợp hoạt động giữa Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông và Thanh tra Sở GTCC được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo các quy định chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Giao thông – Công chính.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Trong giải quyết công việc theo thẩm quyền có liên quan thông qua hoạt động phối hợp, phải đảm bảo tính độc lập trong xử lý công việc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và theo nguyên tắc bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau cùng thực hiện nhiệm vụ chung, không can thiệp vào quan hệ nội bộ cũng như nguyên tắc xử lý theo chức trách từng cơ quan.

2. Hoạt động phối hợp giữa Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông và Thanh tra Sở GTCC được thông qua bằng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể đối với các công tác thường xuyên, định kỳ hoặc có thỏa thuận, thống nhất giữa các cơ quan đối với các trường hợp đột xuất. Trong hoạt động phối hợp, các hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật.

3. Trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ các cơ quan liên quan cùng thống nhất về nguyên tắc là tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm tra, xử lý nhằm tránh gây phiền hà ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đối với những công việc vượt thẩm quyền giải quyết thì phải có sự thống nhất giữa các cơ quan phối hợp trước khi đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Điều 4. Các nội dung chính trong hoạt động phối hợp

Trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Giao thông - Công chính, Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông và Thanh tra Sở GTCC căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thực hiện công tác theo các nội dung chính như sau:

1. Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác trên các tuyến đường thủy nội địa nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan.

2. Đảm bảo trật tự an toàn về giao thông vận tải đường thủy nội địa. Duy trì, phát huy hiệu quả mạng lưới và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đường thủy nội địa.

3. Kiểm tra, phòng ngừa, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi: vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; các hành vi xâm hại đối với mạng lưới và hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như trong phạm vi bảo vệ an toàn của công trình giao thông đường thủy nội địa.

Chương 2:

QUAN HỆ PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CƠ QUAN

Điều 5. Trách nhiệm của Cảng vụ ĐTNĐ.

1. Chủ trì phối hợp với Khu Đường sông, Thanh tra Sở GTCC khi cần thiết trong công tác kiểm tra và có trách nhiệm lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính các vi phạm tại khu vực cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông) đã được Sở Giao thông – Công chính cấp giấy phép hoạt động. Thông tin cho Khu Đường sông, Thanh tra Sở GTCC về kết quả xử lý.

2. Chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở GTCC và các cơ quan liên quan khác tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc có biện pháp cưỡng chế giải tỏa đối với các cảng, bến chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

3. Tiếp nhận thông tin về tình hình thủy văn, thời tiết, luồng tuyến do Khu Đường sông và các cơ quan hữu quan cung cấp để thông báo cho các phương tiện trước khi rời cảng bến, đặc biệt thông tin về những tình huống đột xuất.

4. Thông báo cho Khu Đường sông, Thanh tra Sở GTCC và các cơ quan hữu quan những thông tin về diễn biến luồng lạch, báo hiệu, chướng ngại vật do người dân, người điều khiển phương tiện, thuyền viên phản ánh.

Điều 6. Trách nhiệm của Khu Đường sông

1. Thông báo cho Cảng vụ ĐTNĐ, Thanh tra Sở GTCC về tình hình luồng lạch định kỳ 03 tháng/ một lần, tình huống đột xuất (chướng ngại vật, tắc luồng, tai nạn giao thông, phương án đảm bảo giao thông đường thủy qua các khu vực có điều tiết khống chế giao thông, …), việc lập cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời.

2. Thông báo cho Thanh tra Sở GTCC (để có kế hoạch phối hợp kiểm tra xử lý) các thông tin sau: Các vi phạm quy định về trật tự đô thị, an toàn giao thông đường thủy nội địa, các hành vi xâm hại hệ thống kết cấu hạ tầng, hành lang bảo vệ an toàn của công trình giao thông đường thủy nội địa.

3. Phối hợp (khi cần thiết) với Cảng vụ ĐTNĐ và Thanh tra Sở GTCC và các cơ quan liên quan khác tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc có biện pháp cưỡng chế giải tỏa đối với các cảng, bến chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

4. Tiếp nhận thông tin do Cảng vụ ĐTNĐ, Thanh tra Sở GTCC phản ánh về tình hình luồng tuyến, báo hiệu, chướng ngại vật đột xuất,… để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Điều 7. Trách nhiệm của Thanh tra Sở GTCC

1. Phối hợp với Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông trong công tác kiểm tra và có trách nhiệm lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm lập cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép; Đồng thời, phối hợp với Cảng vụ ĐTNĐ khi Cảng vụ có yêu cầu hỗ trợ xử lý các vi phạm trong khu vực cảng, bến thủy nội địa đã được Sở Giao thông – Công chính cấp giấy phép hoạt động.

2. Chủ trì phối hợp với Khu Đường sông và các cơ quan khác liên quan trong công tác kiểm tra và có trách nhiệm lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, kể cả hoạt động tại các bến khách ngang sông (trừ phạm vi thuộc trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa).

3. Tiếp nhận các thông tin do Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông hoặc các cơ quan hữu quan cung cấp về phương án điều tiết giao thông, các vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa để xây dựng kế hoạch phối hợp và tác nghiệp cụ thể. Trong một số tình huống đột xuất sau khi nhận được phản ảnh của Cảng vụ ĐTNĐ hoặc Khu Đường sông, Thanh tra Sở GTCC có trách nhiệm triển khai kịp thời các biện pháp cần thiết để phối hợp và xử lý theo chức trách.

4. Thông tin kịp thời cho Cảng vụ ĐTNĐ và Khu Đường sông về tình hình trật tự an toàn giao thông và kết quả xử lý các vi phạm qua các đợt thực hiện phối hợp kiểm tra.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trong quá trình thực nhiệm vụ, Cảng vụ ĐTNĐ, Khu Đường sông và Thanh tra Sở GTCC có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ theo các quy định trên. Trường hợp cần sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị hoặc kinh phí (nếu có) trong công tác phối hợp, các cơ quan bàn bạc, thống nhất hoặc thỏa thuận trên nguyên tắc hỗ trợ hoặc theo chế độ hiện hành.

Điều 9. Định kỳ 03 tháng một lần, Thanh tra Sở GTCC chủ trì cùng Cảng vụ ĐTNĐ và Khu Đường sông có cuộc họp sơ kết để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp theo Quy định này. Thông qua kiểm điểm, tập trung vào việc tìm ra các biện pháp để thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả hơn trong công tác quản lý trong thời gian tiếp theo. Kết quả thực hiện phải lập thành văn bản báo cáo về Sở Giao thông - Công chính.

Điều 10. Định kỳ 06 tháng một lần, Sở Giao thông – Công chính (Phòng Quản lý giao thông thuỷ tổng hợp và chuẩn bị nội dung) chủ trì giao ban với các cơ quan nhằm đánh giá, kiểm điểm công tác phối hợp và chỉ đạo kế hoạch phối hợp hoạt động trong thời gian tiếp theo.

Điều 11. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, có vấn đề phát sinh vướng mắc, khó khăn các cơ quan kịp thời báo cáo Sở Giao thông - Công chính (Phòng Quản lý giao thông thủy – tổng hợp), trình lãnh đạo Sở Giao thông - Công chính để có chỉ đạo giải quyết./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Trần Quang Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 738/QĐ-SGTCC năm 2007 quy định trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý chuyên ngành đường thủy nội địa giữa Cảng vụ đường thủy nội địa, Khu Đường Sông và Thanh tra Sở Giao thông - Công chính do Giám đốc Sở Giao thông - Công chính ban hành

  • Số hiệu: 738/QĐ-SGTCC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/03/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Quang Phượng
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản