Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 687/CN-GSN
V/v xác định lợn giống thuần chủng để nhân giống.

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2016

 

Kính gửi: Tổng Cục Hải Quan

Cục Chăn nuôi đã nhận được Công văn số 3920/TCHQ-TXNK ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Tổng Cục Hải quan về việc xác định lợn giống thuần chủng để nhân giống khi nhập khẩu về Việt Nam. Được sự ủy quyền của Bộ Nông nghiệp, và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi có ý kiến như sau:

1. Về công tác quản lý giống lợn tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, thường quản lý từng cá thể. Mỗi cá thể đều có lý lịch riêng do cơ sở giống lập ra để theo dõi từ khi cai sữa đến khi loại thải. Trên lý lịch từng cá thể đều có thông tin bắt buộc: (1) Tên giống và số hiệu của cá thể đó; (2) Tên giống và số hiệu của lợn bố, mẹ sinh ra cá thể đó.

Để xác định cá thể lợn giống nào đó là giống thuần, có thể xác định qua lý lịch và căn cứ vào tên giống của cá thể, tên giống của lợn bố và tên giống của lợn mẹ là trùng khớp nhau (giống nhau).

2. Trong hệ thống giống lợn tại Việt Nam và các nước trên thế giới thường phân ra làm 3 cấp giống: giống cụ kỵ (viết tắt là GGP); giống ông bà (viết tắt là GP); giống bố mẹ (viết tắt là PS). Cụ thể:

- Đàn giống GGP: là đàn giống thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn, tạo, nuôi dưỡng để sản xuất ra đàn giống GP;

- Đàn giống GP: là đàn giống nhân từ đàn giống GGP để sản xuất ra đàn giống PS;

- Đàn giống PS: là đàn giống nhân từ đàn giống GP để sản xuất ra giống thương phẩm.

Để xác định là đàn lợn giống dùng để nhân giống có thể căn cứ trên hồ sơ hoặc lý lịch giống có ghi là giống GGP, GP hoặc PS.

3. Thực chất một số quốc gia mà Việt Nam thường xuyên nhập khẩu giống lợn cũng có các tổ chức chứng nhận chất lượng cho các cá thể lợn giống (tại Mỹ: Hiệp hội giống lợn Hoa Kỳ; tại Canada: Trung tâm quốc gia về cải tiến di truyền giống lợn; ...). Tuy nhiên, việc chứng nhận chất lượng chỉ tập trung các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát dục và giá trị giống ước tính của cá thể lợn giống đó (không xác nhận “giống thần chủng để nhân giống” như yêu cầu của Tổng cục Hải quan yêu cầu). Các cá thể lợn giống đạt yêu cầu được dán tem hoặc xác nhận vào lý lịch sau khi kết thúc kiểm tra cá thể (sau 6-8 tháng tuổi và khối lượng cơ thể trên trên 90 kg/con).

Vì mục đích giảm giá mua và thuận tiện cho việc vận chuyển, Việt Nam cũng như các quốc gia khác thường nhập khẩu lợn giống ở thời điểm 2-3 tháng tuổi, nên lợn giống nhập về chưa có xác nhận chất lượng giống của các cơ quan chức năng trên lý lịch con giống.

4. Để xác định, lợn giống thuần và lợn giống để nhân giống khi nhập khẩu về Việt Nam, Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn tại Công văn số 465/CN-GSL ngày 14 tháng 4 năm 2016: “căn cứ trong hóa đơn mua/bán hoặc lý lịch kèm theo con giống đó được thể hiện là giống cụ kỵ (GGP) hoặc giống ông bà (GP) hoặc giống bố mẹ (PS)”. Theo đó:

- Hóa đơn mua/bán: là bản gốc có xác nhận của người đại diện hợp pháp của các bên có liên quan.

- Lý lịch con giống: là bản gốc và tên cơ sở giống trên lý lịch con giống đó phải phù hợp tại giấy xác nhận nguồn gốc (CO) của tổ chức hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Việc xác định lợn giống thuần và lợn giống để nhân giống được căn cứ các điểm tại mục 1 và mục 2 đã nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Cục Chăn nuôi gửi Tổng cục Hải quan để làm căn cứ xác định lợn giống thuần và lợn giống để nhân giống khi nhập khẩu./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Vũ Văn Tám (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, GSN.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Trọng