Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 58/2006/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 29 tháng 08 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN VÀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VỚI TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Luật Công đoàn được Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp lần thứ 7 ngày 30/6/1990. Theo đó, ngày 20/4/1991 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 133/HĐBT hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn và ngày 19/8/1992 ban hành Nghị định 302/ HĐBT về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan. Đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng phù hợp với quá trình đổi mới hệ thống pháp luật và hoạt động Công đoàn trong nền kinh tế thị trường.

Nhằm cụ thể hóa Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thực hiện, sau khi thỏa thuận với Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1795/1998/QĐ-UB ngày 15/7/1998 kèm theo quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND các cấp với tổ chức Công đoàn. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với tổ chức Công đoàn triển khai thực hiện, tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý kinh tế xã hội, quản lý nhà nước. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai và thực hiện Luật và Quy chế chưa được rộng khắp trong tất cả các cơ quan, đơn vị. Ở một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng về Luật, chưa thấy hết vai trò của tổ chức Công đoàn từ đó thiếu phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Luật và Quy chế. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thực hiện tốt Luật Công đoàn, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn và Quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND các cấp với tổ chức Công đoàn. UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các cấp; Giám đốc các Sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội, cần phối hợp với Công đoàn cùng cấp triển khai ngay việc sơ kết 8 năm thực hiện Quyết định số 1795/1998/QĐ-UB ngày 15/7/1998 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND các cấp với tổ chức Công đoàn, theo hướng dẫn của Liên đoàn lao động tỉnh.

2. Đối với những cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức với công đoàn cùng cấp. Trên cơ sở những nguyên tắc đã được xác định trong Luật Công đoàn, Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định 1795/1998/QĐ-UB để xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động, xác định rõ quyền và trách nhiệm trong quan hệ công tác giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức với Công đoàn cùng cấp.

3. Căn cứ Luật Công đoàn, Nghị định của Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo chức năng của mình cần phối hợp giữa hai bên nhằm thực hiện tốt các điều trong luật định, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Công đoàn, đặc biệt là vai trò của Công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và giải quyết lợi ích chính đáng của người lao động.

4. Hàng năm các cấp, các ngành cần lắng nghe và chủ động phối hợp với Công đoàn cùng cấp trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình phối hợp với tổ chức Công đoàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

5. Theo sự thống nhất giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, từ nay về sau Liên đoàn lao động tỉnh là cơ quan thường trực trong việc theo dõi, tập hợp việc thi hành Luật Công đoàn, Nghị định 133/HĐBT, Nghị định 302/HĐBT và Quyết định 1795/1998/QĐ-UB. Định kỳ 3 tháng một lần, hoặc có thể đột xuất các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các văn bản nói trên tại cơ quan, đơn vị mình cho Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (qua Liên đoàn lao động tỉnh để tổng hợp).

Liên đoàn lao động tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1795/1998/QĐ-UB ngày 15/7/1998 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND các cấp với tổ chức Công đoàn cho phù hợp với thực tiễn. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này, tổng hợp kết quả để sơ kết 8 năm thực hiện Quyết định số 1795/1998/QĐ-UB, thời gian thực hiện đến hết tháng 6/2006.

Ủy Ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp; Giám đốc các Sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội có trách nhiệm thực hiện chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Ái